Điều này được ghi nhận tại hội thảo Vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, diễn ra vào sáng 22/4 tại TP.HCM, do Sở VH-TT TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả và Hội Truyền thông điện tử TP.HCM phối hợp tổ chức.

karaoke_bchn.jpg
Cần phải có sự thống nhất để thu phí tác quyền trong kinh doanh karaoke cho hợp lý. Ảnh Ngọc Thắng. 

“Nóng” tại hội thảo là vấn đề thu phí tác quyền quyền liên quan (quyền của tổ chức, cá nhân đối với các sản phẩm do lao động sáng tạo của họ tạo ra trong việc chuyển tải tác phẩm đến công chúng) trong kinh doanh karaoke.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), khẳng định từ năm 2016 đến nay, RIAV đã gửi thông báo đến các đơn vị kinh doanh karaoke, giải thích để họ thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Và mức phí 2.000 đồng/bài/đầu máy/năm là mức giá được RIAV cân nhắc kỹ trước khi đưa ra.

“Có nhiều luồng ý kiến cho rằng mức giá này vô căn cứ, nhưng đến nay, chúng tôi chưa nhận được bản hướng dẫn cụ thể về biểu phí của các ban ngành liên quan. Chúng tôi chỉ thu bản ghi nào thuộc quyền sở hữu của các đơn vị sản xuất thuộc hội viên mà RIAV quản lý”, bà Dung nói.

Theo đó, RIAV giao quyền cho Trung tâm cấp phép và quản lý quyền (thuộc RIAV) cùng Công ty TNHH điện tử Hanet VN (là đơn vị sản xuất thiết bị liên quan đến karaoke) tổ chức thực hiện dự án thu phí này. Cũng cần nói thêm, Phó giám đốc Trung tâm cấp phép và quản lý quyền, ông Hoàng Anh Dũng, chính là Giám đốc Ban marketing Công ty TNHH Hanet VN.

Qua giải thích của RIAV, từ sự tuyên truyền của báo chí, nhiều nhà kinh doanh karaoke đã đồng ý và thực thi. Nhưng cũng có những đơn vị còn phân vân hoặc phản đối vì họ thấy lạ lẫm với việc thu phí này.

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty Maseco, đơn vị sản xuất đầu karaoke Arirang và sản xuất bản ghi midi karaoke, cho rằng mức phí 2.000 đồng mà RIAV đưa ra gây nhiều bức xúc. Theo ông, mức phí này không biết RIAV dựa theo căn cứ nào. Maseco vừa có thông báo chưa thu phí quyền liên quan đối với các bản ghi âm midi karaoke đang được sử dụng cho các đầu máy Arirang.

Ông Hàn nói thêm: “Cần phải có sự thống nhất để thu phí cho hợp lý, tránh tình trạng lợi dụng việc thực thi quyền liên quan gây rối loạn trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh RIAV còn nhiều đơn vị không thuộc quản lý của hiệp hội này. Vậy thử tưởng tượng những nơi kinh doanh karaoke mỗi ngày phải tiếp hàng chục, hàng trăm người đại diện cho các chủ sở hữu khác đến thu tác quyền quyền liên quan thì sao chịu nổi”.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Truyền thông điện tử TP.HCM, nhận định: Theo quy định luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009 và các văn bản hướng dẫn liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan thì “Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho các quyền, nhóm quyền khác nhau, các bên có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền, báo cáo Bộ VH-TT-DL trước khi thực hiện” (điều 11 Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21.9.2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan).

“Thông thường một bản ghi âm karaoke có các đối tượng bảo hộ chính sau: bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong bản ghi, bảo hộ quyền liên quan của người biểu diễn tác phẩm âm nhạc trong bản ghi và quyền liên quan của nhà sản xuất bản ghi karaoke.

Với tư cách là tổ chức đại diện tập thể, RIAV chỉ được phép thu tiền nếu được sự ủy quyền của các tổ chức đại diện tập thể cho quyền tác giả và tổ chức đại diện tập thể cho quyền của người biểu diễn trong việc thu phí sử dụng bản ghi âm karaoke. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc thu phí này, RIAV phải báo cáo đến Bộ VH-TT-DL.

Như vậy, nếu RIAV được sự ủy quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN (APPA) trong việc thu phí thì RIAV thông báo trước đến Bộ VH-TT-DL về hoạt động thu phí của RIAV đại diện cho cả VCPMC và APPA, lúc đó RIAV mới được phép tổ chức thực hiện dự án thu tiền bản quyền, quyền liên quan các bản ghi karaoke phù hợp với phạm vi được ủy quyền của mình”, luật sư Tuấn nhận định.

Có hay không sự ưu ái ?

Luật sư Tuấn cũng cho rằng, về bản chất, hoạt động cạnh tranh của các hãng sản xuất máy karaoke thường độc lập với vấn đề bản quyền. Và các tổ chức như RIAV sẽ đảm bảo cho sân chơi chung ấy được công bằng, minh bạch.

Tuy nhiên, khi đánh giá về sự hợp tác giữa RIAV và Hanet, có thể xem xét và nhận định về việc nếu bản phí 2.000 đồng/bài/đầu máy/năm là biểu phí thống nhất cho tất cả các thành viên của RIAV nhằm thu phí sử dụng bản ghi karaoke, thì việc ưu ái riêng cho Hanet là đơn vị độc quyền thu phí thay cho RIAV sẽ tạo ra một lợi thế kinh doanh rất lớn cho Hanet so với các hãng sản xuất phần cứng karaoke cùng ngành.

Chủ tịch APPA, NSND Thanh Hoa cũng nhìn nhận, sở dĩ việc vi phạm bản quyền vẫn diễn ra tràn lan bởi: “Hiện nay quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn mới mẻ và phức tạp tại VN. Nhận thức của nhiều nghệ sĩ về vấn đề bản quyền còn hạn chế, mơ hồ dẫn đến tình trạng có nhiều vi phạm nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Ý thức của cộng đồng về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như luật bản quyền chưa được phổ biến rộng rãi nên các hội bảo vệ bản quyền gặp khó khăn trong hoạt động khi vấp phải sự không chấp hành pháp luật của công chúng, các tổ chức hay cá nhân có nghĩa vụ liên quan”.

Vô tư phát tán sách lên mạng

Trên Facebook dễ dàng tìm thấy hàng chục nhóm kín, nhóm mở gắn mác yêu sách, lôi kéo các thành viên tham gia gõ lại các bản sách hay, sách quý của nhiều đơn vị xuất bản rồi tự ý đưa các nội dung sách không bản quyền này phát tán rộng rãi lên mạng xã hội hoặc đưa lên website riêng, cập nhật vào các app (kho tải ứng dụng) cung cấp ebook (sách điện tử) lậu.

Ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty CP tin học Lạc Việt, nhận định để hạn chế việc sao chép tác phẩm có bản quyền, nhiều đơn vị đã phải áp dụng công nghệ như mã hóa đoạn văn, chống cho copy bằng chữ và hình ảnh... Thậm chí còn có công nghệ phát hiện ra nạn sao chép, phát hiện ra đoạn văn, luận văn đó sao chép từ đâu. Ông cũng cho rằng luật pháp VN chặt chẽ trong việc bảo vệ bản quyền nhưng vấn đề thực thi lại rất kém. Cách đây 5 năm, Bộ TT-TT và Bộ VH-TT-DL từng có văn bản nói rõ, nếu phát hiện những văn hóa phẩm bị sao chép, bị vi phạm thì có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ internet ngưng dịch vụ đó lại, nhưng văn bản này tới nay vẫn chưa hề được thực thi.

Ảnh: Ngọc Thắng
Ảnh: Ngọc Thắng