Tối 9/12, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) đã khai mạc triển lãm đặc biệt mang tên “Hà Nội sắc màu”. Đây là sự kiện do vùng Ile-de của Pháp phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức và cũng là chương trình cuối cùng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp trong năm 2013.

Triển lãm trưng bày 60 bức hình màu do nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy chụp Hà Nội cách đây 1 thế kỷ, chủ yếu là trong giai đoạn từ năm 1914 – 1917. Đây chính là những ảnh màu đầu tiên chụp về Hà Nội, nằm trong bộ ảnh gốc gồm 1500 phiên bản hình màu của Leon Busy.

Những bức ảnh hiện đang được bảo quản tại Kho Lưu trữ Toàn cầu, thuộc Viện Bảo tàng Albert Kah.Vì thế, toàn bộ các tác phẩm được trưng bày ở đây theo dạng kính ảnh màu, xuất phát từ ý tưởng của nhà sử học Emmanuel Poisson thuộc trường Đại học Paris Diderot và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu – cựu cán bộ của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. 60 bức ảnh đã được số hóa và chiếu trên những tấm kính đặt tại triển lãm.

p1020964.jpg
Một bức ảnh được trưng bày ở triển lãm, tái hiện khung cảnh dưới chân cầu Long Biên cách đây 1 thế kỷ 

Các tác phẩm là hình ảnh 30 năm sau khi miền Bắc Việt Nam bị đánh chiếm, tái hiện một không gian Hà Nội và vùng lân cận khi chưa bị ảnh hưởng, xáo trộn hoàn toàn bởi chế độ thực dân, hoặc chưa bị tàn phá bởi chiến tranh với những biến đổi về chính trị, xã hội. Qua tác phẩm của Leon Busy, người xem có thể thấy những cảnh sinh hoạt, lao động đời thường với những ngành nghề nổi bật của phố phường Hà Nội xưa. Leon Busy cũng thể hiện góc nhìn của mình trước cách phân loại xã hội thời bấy giờ qua trang phục của con người.

Bên cạnh đó, những hình ảnh của ông còn là mối quan hệ gắn bó giữa con người và môi trường thiên nhiên ngày đó. Sinh hoạt của con người còn được biểu hiện thông qua đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, một số hình ảnh cho thấy nhiều khía cạnh tín ngưỡng của người Hà Nội xưa thấm nhuần Lão giáo, như quan niệm về Đạo Tam phủ (thờ Trời, Đất, Nước qua ba đức Mẫu) hay thờ cúng các linh vật như mãnh hổ, voi, rùa. Một số hình ảnh khác thì thể hiện sự tôn trọng cuộc sống, giới răn ngăn cấm sát sinh, là quan điểm chủ đạo của Phật giáo, đã trở thành cơ sở sâu kín cho quan niệm tư duy của người Việt Nam.

Leon Busy đã khai thác một cách chi tiết khía cạnh này thông qua những hình ảnh về sự thờ kính, về kiến trúc và con người trong bối cảnh tín ngưỡng ấy. Thông qua đó, tài năng nhiếp ảnh của ông đã tái hiện sinh động quá khứ của người Việt Nam, mà cụ thể là của người Hà Nội xưa, đưa người xem vào một cuộc hành trình lịch sử mang đậm tính văn hóa.

Ngoài 60 tác phẩm kính ảnh màu, triển lãm còn trình chiếu khoảng mười phim ngắn đen trắng được quay vào thời kỳ này. Triển lãm “sẽ kéo dài tới ngày 4/1/2014./.

Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm: 
Cảnh quan hồ Hoàn Kiếm và Tháp Rùa xưa

Toàn cảnh Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử

Hoàng Cao Khải, cựu kinh lược sứ Bắc Kỳ ngồi giữa phu nhân và con trai là Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông. Nơi chụp hình này hiện nay là Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa

Một hình ảnh về Bà cốt Đạo Tam phủ 

Nghệ nhân vẽ tranh ở phố Hàng Trống 

Thiếu nữ têm trầu

Cơi trầu sơn son thếp vàng, để mở nắp

Hàng bán câu đối Tết, có hình ảnh quen thuộc: thầy đồ ngồi viết chữ

Giữa sân phơi thóc vào mùa gặt

Thiếu nữ ngồi trước gương