Văn Miếu Quốc Tử Giám thường được người dân chọn là điểm đến trong những ngày đầu năm mới. Theo bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tết này, vườn Giám sẽ tổ chức múa rối nước; bên Hồ Văn tổ chức thi nấu cơm, múa Rồng, múa Lân; trong sân Văn Miếu, sân Thái Học tổ chức đoàn dâng hương, đội từ thiện, đội chân tâm của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Có thi đấu cờ người từ mùng 2 cho đến hết mùng 4 Tết. Bên cạnh đó có hoạt động biểu diễn văn nghệ, viết thư pháp; mùng 5 Tết nói chuyện thơ Xuân “Xưa và nay”. 

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, từ 19 - 21/2 (tức mồng 6 - 8 Tết) có hội “Vui Xuân Canh Dần” với sự tham gia của đồng bào các dân tộc Giẻ Triêng, Thái, Tày... Món quà độc đáo Bảo tàng tặng du khách là vũ điệu cồng chiêng trầm hùng, quyến rũ do Đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng từ Kon Tum về góp vui, kèm những làn điệu dân ca, nhạc cụ độc đáo.

Tại đây, người thích thư pháp sẽ xin chữ đầu năm, người yêu tranh Đông Hồ sẽ xem nghệ nhân Đông Hồ trình diễn in tranh dân gian, tự in tranh để đem về. Các em nhỏ sẽ được hướng dẫn làm đồ chơi tô vẽ hổ đất, mặt nạ hổ, nặn hổ bằng bột. Còn có nhiều trò chơi dân gian sinh động như pháo đất, đánh đu, đi cà kheo, ném còn của người Tày.

Tại Công viên nước Hồ Tây, từ 14 - 21/2/2010 có chương trình “Rộn ràng vui Xuân, Valentine hạnh phúc”. Đêm Giao thừa có các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, cùng những màn múa Lân, Rồng, trống hội, rối cạn… Ngày mùng 1 Tết, các cặp tình nhân sẽ có bữa tiệc nhỏ trên Cabin Love, ngắm Hồ Tây lãng mạn trên đu quay. Khách du Xuân sẽ cùng các em nhỏ chơi các trò chơi dân gian, tham gia các phong tục đón Tết của người Việt, đi chợ quê với những thiếu nữ áo nâu, đòn gánh cong, bán các món đặc sản 3 miền, chế biến công phu, hấp dẫn./.