Thơ là nơi ẩn náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ, với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn, ân cần riêng của tâm hồn chàng với đời sống.

Thơ là nơi khởi hành cuộc đi tìm lớn nhất, mang sâu sắc ý nghĩa triết học về sự khám phá cái tôi thi sĩ qua nghiệm sinh đường đời xa thẳm và cũng là nơi hành hương lớn nhất: trở về bản thể thi sĩ của chính mình.

Thơ còn là tấm tình riêng đã hoà vào tình chung của Lưu Quang Vũ với dân tộc và đất nước, như gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi… thổi không yên suốt dọc dài lịch sử, qua đất đai và đời sống con người.

Lưu Quang Vũ tự thú, đã có lần tôi muốn nguôi yên/ Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng/ Nhưng vô ích làm sao quên được/ Những yêu thương khao khát của đời tôi… 

Lưu Quang Vũ mang nợ Thơ từ huyết thống.

Cha chàng – ông Lưu Quang Thuận, sinh chàng cùng lúc với thơ. Chính ông là một tính cách thơ đằm thắm, dạt dào và mặn mòi như biển Đà Nẵng quê ông. Trong mắt chàng, người cha là thi sĩ lãng mạn như ngày đầu kháng chiến chống Pháp, với “bóng ngựa trắng buổi chiều xưa/ bay trên đồi cỏ biếc/ một dòng sông nắng chói chảy về xa…”.

Ông truyền cho chàng mắt thơ xanh biếc nhìn đời. Năm 17 tuổi, đời như sân khấu phong kín hương nhuỵ sau cánh màn nhung, khiến chàng háo hức: “Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp/ Ngồi trong rạp hát đợi màn lên”.

Sân khấu cuộc đời mở ra trước chàn với vườn địa đàng trong phố, có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta. Đó là người con gái chàng yêu đầu đời, một-nhân-vật-trữ-tình EM sẽ có mặt trong suốt đời thơ và đời sống lận đận như con ong trong đêm sâu của chàng. Em, có thể là người tình, là khát khao không đạt đến, sự cứu rỗi linh hồn đau buồn của chàng. Em còn mang tên đầy âu yếm, thương cảm: Người đàn bà không có tên I, II, III, mắt một mí, đoá cúc vàng, con ong xanh mắt đen, con ong trắng thương nhớ, con ong nâu hạnh phúc, cầu vồng bảy sắc, bông hoa huệ trắng xanh…

Ai cũng biết thơ Lưu Quang Vũ buồn thăm thẳm, canh cánh thấm sâu tinh huyết thơ chàng, nhưng ít ai chịu thông cảm cái riêng của nỗi buồn Lưu Quang Vũ. Chàng yêu thành thực cuộc đời, thành thực yêu những người đàn bà và buồn thành thực khi họ bỏ đi, “như những dòng sông nhỏ” mà lời hẹn thề chỉ là “những cơn mưa” (lời tình khúc Trịnh Công Sơn).

Mỗi người đàn bà ra đi để lại cho Lưu Quang Vũ một vết thương lòng. May sao, chàng là thi sĩ, nên trong thơ, những cuộc tình tuyệt vọng ấy đã ngưng kết thành giọt lệ trong như ngọc, khiến thơ tình của Lưu Quang Vũ ngời ngợi sáng, thứ ánh sáng không quá chói chang mà thánh thiện an lành, chỉ có ở ngọc trai được ngậm bằng những nỗi đau lắng lại tự nhiên sau bao con sóng vật vã của biển Đời.

Cũng chính vì thế, từ khởi nguyên cuộc kiếm tìm hạnh phúc, qua nếm trải ngọt bùi, đắng cay, lầm lỡ, cả tin… của Cho, Nhận, Được, Mất… thì cuối cùng, con thuyền thơ của Lưu Quang Vũ đã cập bờ, đạt tới hình ảnh hoàn hảo về nhân-vật-trữ-tình Em:

Dù sao cuộc đời đã dành em lại cho anhĐiều mong ước đầu tiên, điều ở lại sau cùngChúng ta đã đi bên nhau trên mặt đấtDẫu chỉ riêng điều đó là có thậtĐủ cho anh mãi mãi biết ơn Đời
Và chàng hái lượm được trong tay hạnh-phúc-đời-thường, cuộc sống chung với Xuân Quỳnh, như món quà Thượng đế ban tặng “người trai phiêu bạt, luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật”… Chàng đã được tồn tại bởi một người:
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dàiChỉ một người ở lại với anh thôiLúc anh vắng người ấy thường thức đợiKhi anh khổ chỉ riêng người ấy tớiAnh yên lòng bên lửa ấm yêu thươngNgười ấy chỉ vui khi anh hết lo buồnAnh lạc bước người ấy đưa anh trở lạiKhi có điều giả dối vây quanhBàn tay ấy chở che và gìn giữBiết ơn em từ miền cát gióVề với anh bông cúc nhỏ hoa vàng…

Có một bài thư cực hay của Lưu Quang Vũ mà những động từ trong đó đều chia ở thì quá khứ - để chỉ những gì đã qua và đã từng  mà chàng đã làm xong ở đời:

Nắng đã tắt dần trên lá imChiều đã sẫm màu xanh trong mắt tốiĐường đã hết trước biển trời cao vời vợiTay đã buông khi vừa dứt cung đànGió đã dừng nơi cuối chót không gianMưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳmNgười đã sống hết tận cùng năm thángSau vô biên sẽ chỉ có vô biên. 

xuan-quynh-luu-quang-vu.jpg

Lưu Quang Vũ và vợ- nhà thơ Xuân Quỳnh

… Thế là đã 22 năm ngày Lưu Quang Vũ về cõi, cùng hai người thân yêu nhất đời chàng: nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai nhỏ Quỳnh Thơ.

Hà Nội vào mùa đại lễ 1000 năm sinh nhật. Gió mùa thu thổi tràn mái phố thấm đẫm hương vị heo may. Cụ Rùa nổi trên Hồ Gươm mùa Vu Lan tháng Bảy. Cơn bão số ba khiến Hà Nội oằn mình trong gió về gãy đổ, trốc gốc mấy cây xanh… Gió về trong tập thơ mới được xuất bản của Vũ: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Và gió về trong tôi, ký ức mùa thu, thấp thoáng dáng tất bật vội vã và vẻ mặt u buồn của chàng thi sĩ trẻ, suốt ngày ra vào cánh cửa rộng của toà biệt thự 51 Trần Hưng Đạo, trụ sở Hội Liên hiệp Văn nghệ Việt Nam trong đó có “tư dinh” nhỏ nhoi của Tạp chí Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Lưu Quang Vũ và tôi đã cùng là “ký giả kịch trường”, cùng trưởng thành ở Tạp chí Sân khấu hàng chục năm trời, thập niên 80 thế kỷ XX. Và Vũ đã “chui từ ống tay áo” của tờ tạp chí này mà thành nhà viết kịch lừng lẫy tiếng tăm thời kỳ đổi mới…

Nhưng tôi biết, điều tha thiết đầu tiên, điều gửi gắm cuối cùng của Vũ cho cuộc đời này vẫn cứ là Thơ, nhất là Thơ tình. Và Thơ đã không chỉ đem lại sự an ninh tâm hồn cho chính chàng thi sĩ mặt buồn này, mà còn cho bất cứ độc giả nào muốn có được an ninh tâm hồn trong cuộc đời dài lắm của mình, và ngay trong mùa thu đầy mưa bão của năm nay, 2010, khi Hà Nội bời bời “lá mùa thu xao xác rụng bên đường” như thơ Vũ… Và thơ Quỳnh:

Mùa thu nay sao bão mưa nhiềuCánh cửa sổ con tàu chẳng đóngDải đồng hoang và đại ngàn tối sẫmEm lạc loài trước sâu thẳm hồn anhEm lo âu trước xa tắp đường mìnhTrái tim đập những điều không thể nóiTtrái tim đập cồn cào cơn đóiNgọn lửa nào le lói giữa cô đơn…./.