Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Chủ tịch Danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội và là tác giả của bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng" - hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc. Ông là một trong số 12 tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt thứ 4 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 19/5. Trước đó, nhân kỷ niệm lần thứ 57 ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2011, ông vinh dự được Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 10 Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2011.

Người viết biên niên sử bằng âm thanh

Trong buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND diễn ra ngày 19/5/2012, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một trong những người được giới báo chí quan tâm. Trong "vòng vây" của những camera, máy ghi âm và máy ảnh, nhạc sĩ nở nụ cười đôn hậu và bình thản.

Ông cho biết: “Trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, nguồn động viên duy nhất mà tôi cảm thấy giúp cho mình sáng tạo không ngừng là tình yêu của nhân dân, của các em thiếu nhi, của người lớn đối với những bài hát mà tôi viết. Nhưng một khi tất cả những tình cảm ấy của nhân dân lại được sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước thì càng tăng thêm cho tôi sự phấn khởi. Tôi nghĩ mục tiêu phấn đấu cuối cùng của cả đời tôi cũng là làm thế nào mang lại niềm vui cho mọi người bằng những tác phẩm của mình viết...”

phamtuyen3.jpg

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trong hơn nửa thế kỷ lao động, sáng tạo; nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có một gia tài tác phẩm âm nhạc đồ sộ với khoảng 700 ca khúc. Những ca khúc nổi tiếng, đa dạng về đề tài và giàu truyền cảm của ông song hành cùng nhân dân và cách mạng qua mọi thời khắc lịch sử của đất nước. Sẽ không quá lời khi nói rằng: âm nhạc Phạm Tuyên là biên niên sử bằng âm thanh và dõi theo từng ca khúc của nhạc sĩ mà tìm thấy bước đi của cách mạng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng:“Phạm Tuyên với ngôn ngữ âm nhạc của mình gần như người chép sử vì ông có mặt ở tất cả các thời điểm, những khúc quanh quan trọng của lịch sử, những sự kiện lớn và biến thành âm nhạc và nhân nó lên trong đời sống xã hội bằng những sáng tác của ông. Những tác phẩm đó không những nó tác động vào thời điểm đương thời như một sự cổ vũ, mà nó còn để lại như di sản quí giá phản ánh thực tiễn đời sống lịch sử VN”.

Nghe bài hát: Gặp nhau giữa trời thu HN

Tác giả: NS Phạm Tuyên

Thể hiện: Tốp ca

Sự nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và nghệ thuật trong các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên có được trước hết là ở sự dấn thân, hòa mình trong đời sống của nhân dân của chính ông. Dù ở bất kỳ vị trí nào, từ khi còn là học sinh, đến khi công tác Trường Thiếu sinh quân, rồi về Ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, làm việc ở Ủy ban Phát thanh và Truyền hình, chuyên viên cao cấp ở Bộ Văn hóa - Thông tin hay khi giữ chức Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội... ông đều đi nhiều và viết khỏe.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: "Phạm Tuyên là một nhạc sĩ vạm vỡ. Ông có khả năng tung hoành trên nhiều đề tài. Ở mảng đề tài nào, Phạm Tuyên cũng có những ca khúc "găm" được vào trí nhớ công chúng".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng chính thời gian gần 20 năm công tác ở Ban Âm nhạc Đài TNVN đã tạo điều kiện tốt nhất để ông tiếp nhận thông tin từ cuộc sống, sáng tác đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng.

“Khi tôi đi dạy học ở Nam Ninh - Trung Quốc năm 1958 về thì được cử dạy học ở Đài TNVN và từ đấy giở đi tôi làm việc ở Đài Tiếng nói VN gần 20 năm. Chính môi trường này tạo điều kiện cho tôi tiếp cận với nhiều đối tượng trong xã hội. Tôi nhớ Bác Hồ có dạy các phóng viên báo chí rằng có 3 điều: Viết cho ai? Viết để làm gì? và Viết như thế nào? Tôi nghĩ nhà báo luôn luôn phải suy nghĩ và sáng tác như vậy. Bây giờ điểm lại thì tôi thấy những sáng tác của mình cũng khá đa dạng. Nhất là với các sự kiện lịch sử, vì công tác ở Đài thì mình tiếp cận với tin chiến sự sớm nhất và là nơi phản ứng rõ nhất trước những biến chuyển của lịch sử. Cho nên những bước ngoặt như thế mình với tư cách như một nhà báo để phản ảnh thông qua các giai điệu và cảm xúc của mình” - Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại.

Những bài hát của Nhạc sĩ Phạm Tuyên về Hà Nội được nhiều người biết đến là: “Hát dưới trời Hà Nội”, “Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội”, “Có một mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”…Năm 2001, bài hát “Có một mùa thu Hà Nội” đã đoạt giải thưởng của UBND TP Hà Nội trong đợt sáng tác chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Âm nhạc HN, nhạc sĩ đã có nhiều sáng kiến góp phần làm cho đời sống âm nhạc của HN tươi vui hơn, xứng đáng với tầm vóc của một Thủ đô hơn.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận giải Công dân ưu tú thủ đô năm 2011.

Ấp ủ ý tưởng "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", ông thúc đẩy mối liên kết giữa Hội Âm nhạc Hà Nội với các Hội Âm nhạc TPHCM, Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác, góp phần đẩy mạnh hoạt động sáng tác khắp 3 miền đất nước, đồng thời định hướng cho những sáng tác phát huy tác dụng tốt nhất với đời sống.   

Biến vị đắng thành hoa ngọt, trái lành

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Hưng cũ (nay là tỉnh Hải Dương). Ông là con thứ 9 của Chủ bút báo Nam Phong - vị Thượng thư triều đình Huế Phạm Quỳnh. Những năm tháng ấu thơ tại Hà Nội là quãng thời gian hạnh phúc và ngọt ngào nhất của ông. Năm lên 6 tuổi, Phạm Tuyên theo gia đình cùng cha ông vào Huế, sinh sống tại biệt thự Hoa Đường có khuôn viên hoa lá xanh tươi bên bờ sông An Cựu. Ông được bồi đắp vốn tri thức văn hóa và âm nhạc tại vùng đất cố đô này.

Nghe bài hát: Hà Nội những đêm không ngủ

Tác giả: NS Phạm Tuyên

Thể hiện: Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn

Năm Phạm Tuyên 15 tuổi, một biến cố lớn xảy ra trong gia đình ông: cha mất, rồi sau đó một thời gian không lâu, mẹ ông buồn phiền lâm bệnh trọng mà qua đời. Từ đó, Phạm Tuyên cùng các anh chị bắt đầu ra đời lập nghiệp và một lòng đi theo Cách mạng. Và cũng từ khi chính thức trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ năm 1949, năng khiếu âm nhạc của ông mới bắt đầu phát lộ hứa hẹn một sức vóc vạm vỡ và dồi dào trong đề tài âm nhạc sau này.

Tạm gác những nỗi niềm riêng, với tinh thần của một nghệ sĩ - chiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Tuyên miệt mài và phấn chấn sáng tạo nghệ thuật. Ông góp phần động viên lớp lớp thanh niên miền Bắc lên đường tòng quân cứu nước với bài ca "Chiếc gậy Trường Sơn". Ông đồng cảm với phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở Miền Nam bằng "Tiếng hát những đêm không ngủ"; đồng điệu với các ca sĩ Mỹ phản chiến với ca khúc "Gảy đàn lên, hỡi người bạn Mỹ", ông cùng cả dân tộc reo lên niềm vui thống nhất trong "Như có Bác trong ngày đại thắng"... Ông viết về Đảng, về Bác Hồ, về công nhân, nông dân, về tình cảm của ông với nhiều vùng đất.

Ông như một cây đại thụ có rất nhiều cành, nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng sum suê. Một trong những nhánh tươi nõn ấy, ông dành cho con trẻ, với hơn 200 ca khúc viết cho thiếu nhi. Ông còn dịch hàng trăm bài hát của các nước, viết 10 tập sách về thường thức âm nhạc. Ca từ trong các sáng tác của ông không cầu kỳ mà thấm sâu vào trong lòng quần chúng nhân dân.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên nổi tiếng với ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng"

Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, âm nhạc là tiếng nói tình cảm. Những gì xuất phát từ xúc cảm của con tim thì sẽ đến với trái tim mọi người nhanh hơn. Rất nhiều bài hát của ông là cảm xúc tự nhiên. Bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng" là nỗi ao ước của chính bản thân ông về ngày thống nhất, khi nghe tin chiến thắng thì tự nhiên bật thành tiếng reo vui. Tình cảm của người viết hòa cùng nhịp đập trái tim của mọi người thì nó có sự cộng hưởng trở lại. Ông khiêm tốn rằng: đời sống âm nhạc ghi nhận đó là phút thăng hoa của tình cảm chứ không phải là sự tài hoa.

Nghe bài hát: Như có Bác trong ngày vui đại thắng

Tác giả: NS Phạm Tuyên

Thể hiện: Tốp ca

Là một cây đa cây đề của giới âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên được giới âm nhạc nể trọng và cảm phục bởi sức làm việc không biết mệt mỏi, sự giản dị, hoà đồng trong cách sống và tận tình giúp đỡ các nhạc sĩ trẻ với sự cởi mở và thân thiện.

Nhạc sĩ Hồ Quang Bình - Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Các nhạc sĩ Hội âm nhạc Hà Nội coi nhạc sĩ Phạm Tuyên là người anh cả. Đạo đức, tác phong, tác phẩm con người của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã động viên anh chị em trong Hội Âm nhạc Hà Nội về sáng tạo, biểu diễn, nghiên cứu lý luận và hoạt động sư phạm. Năm nay, tuổi đã cao, nhạc sĩ Phạm Tuyên nghỉ, nhưng anh em vẫn tín nhiệm bầu ông là Chủ tịch Danh dự của hội”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn luôn xuất hiện trước công chúng với nụ cười rạng rỡ, với thái độ ung dung, tự tại và lạc quan. Bản lĩnh sống, nhân cách sống ấy chỉ có thể có được ở một người xác định được một thái độ đúng để vượt qua mọi trở ngại, nỗ lực đóng góp cho đất nước, đồng thời tự rèn luyện, tích lũy vốn văn hóa sâu rộng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên bộc bạch:“Đâu chẳng phải có nhiệt tình và có đầu tư về văn hóa. Tôi được thừa hưởng truyền thống của một gia đình văn hóa. Cho nên bây giờ dù tuổi đã cao tôi vẫn dành ít nhất vài ba tiếng đồng hồ để đọc sách. Tôi vẫn hay trao đổi với các nhạc sĩ trẻ rằng: các bạn bây giờ các nốt nhạc thì hay lắm, nhưng cái phông văn hóa thì vô cùng quan trọng. Cho nên phải tiếp tục nâng cao cho mình hiểu biết về văn hóa. Nên nói về văn hóa thì rộng lắm, học suốt đời. Cho nên nếu tôi có được những thành công nhất định thì chính là sự tích lũy về mặt văn hóa.

Trong đợt xét giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật vừa qua, trong khi có người đánh bóng cho tên tuổi của mình, chạy theo giải thưởng, thì ông lặng lẽ, bình thản. Bởi, ông quan niệm điều gì phải đến sẽ đến, người nào đáng được tôn vinh sẽ được mọi người tôn vinh. "Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

NS Phạm Tuyên nhận giải thưởng Hồ Chí Minh 2012

Sáu mươi năm theo cách mạng, hoạt động nghệ thuật vì nhân dân và Tổ quốc, Phạm Tuyên là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam có nhiều thành công và được công chúng nhớ nhiều và mến yêu. Điều ông mong mỏi lớn nhất giờ đây là thế nào để phát huy được tác dụng tích cực của âm nhạc với đời sống.

“Với tư cách một người sáng tác tôi mong đời sống âm nhạc của chúng ta được xã hội quan tâm nhiều hơn để phát huy được tác dụng của âm nhạc với đời sống, tránh những cái tiêu cực, tránh những cái tác phẩm âm nhạc làm xói mòn tình cảm của quần chúng. Vì trong sự nghiệp âm nhạc của chúng ta, tôi vẫn đánh giá sự đóng góp của nghệ thuật âm nhạc đối với thành công của đất nước là vô cùng to lớn. Nếu coi nhẹ cái đó thì ta sẽ bỏ sót một phương tiện hữu hiệu” -Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay...

Cuộc đời hơn 80 xuân của nhạc sĩ Phạm Tuyên có thể chắt lọc bằng hai câu thơ ấy của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Chỉ khi có một trái tim yêu cuộc đời tha thiết và một bản lĩnh vững vàng, người nghệ sĩ mới có tài chuyển hoá vị đắng thành hoa ngọt, trái lành. Mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên là quà tặng quí giá mà ông dành tặng cho cuộc đời này. Để rồi qua âm nhạc, cuộc đời tặng lại ông ấm áp tình thương mến của biết bao người.../.