Vừa qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao giải thưởng âm nhạc cho các tác phẩm đạt giải năm 2015. Mặc dù, 68 tác phẩm âm nhạc đã được trao giải, nhưng vẫn còn đó những trăn trở nhất là thể loại ca khúc và ca khúc cho thiếu nhi. Phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về lĩnh vực sáng tác âm nhạc trong năm 2015.

PV: Thưa nhạc sĩ, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tác phẩm đạt giải năm 2015?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đối với giải thưởng hàng năm, có những năm có những tác phẩm nổi trội cũng có những năm số lượng thì rất nhiều. Năm nay số lượng gửi đến thì nhiều, nhưng để tìm tác phẩm nổi bật lên rất khó và đắn đo, cũng có những tác phẩm đề tài rất hay nhưng sự thể hiện chưa chín, tư duy sáng tạo lại chưa tới. Năm nay là năm được mùa trong các thể loại từ ca khúc, hợp xướng, nhạc không lời đặc biệt các tác phẩm lý luận, nhưng để mong muốn tác phẩm có dấn ấn hơn, nổi trội hơn chúng ta huy vọng vào sự sáng tạo của các nhạc sĩ trong mùa giải tới.

a_quan_flow.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam

PV: Tại lễ trao giải, nhiều người thất vọng về thể loại ca khúc và ca khúc thiếu nhi vì không có giải cao, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Chúng tôi hy vọng nhiều ở thể loại ca khúc, nhưng ca khúc không có giải A vì có những lý do về tác phẩm, về sự thể hiện của ca sĩ, kể cả cách dàn dựng, cách phối khí thể hiện tác phẩm chưa được chín.

Tôi cho rằng, không có giải A, không có nghĩa là năm nay giá trị của giải thấp đi hay chất lượng nghệ thuật thấp đi, đó là làm việc nghiêm khắc của Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng thẩm định, cũng ghi nhận thực trạng, để có được tác phẩm hoàn chỉnh phải đòi hỏi thời gian. Hơn nữa từ tác giả, người thể hiện cho đến khi công chúng tiếp nhân phải có mối gắn kết, chỉ khi nào mối gắn kết hoàn thiện thì tác phẩm ấy mới tỏa sáng. Hiện nay chúng ta đang dừng lại ở mức thẩm định trên văn bản, trên âm thanh, còn một khả năng nữa khi tác phẩm ra công chúng sẽ được đánh dấu bằng sự hưởng ứng, thì đấy mới là bước đi đầu tiên của tác phẩm vào đời sống âm nhạc.

Ở một số thể loại khác cũng có sự lóe sáng. Tôi đặc biệt chú ý đến tác phẩm hòa tấu của nhạc sĩ Đức Minh hội tụ được rất nhiều yếu tố, trong đó là sự kết hợp giữa nhạc nhẹ, nhạc điện tử với các nhạc cụ sống như sáo, đàn tranh, cả giọng hát…tạo ra sự cảm nhận mới lạ, tác phẩm đã đạt giải A.

PV: Vậy thưa ông, việc trao giải hàng năm có tác động ra sao đối với hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Từ trước đến nay các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn tích cực, sáng tạo với tinh thần hướng tới quần chúng, cũng như vậy, công chúng luôn chờ đợi những tác phẩm mới. Hàng năm, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có tập hợp các tác phẩm của các nhạc sĩ sáng tác trong 2 năm gần nhất, tôn vinh và trao những giải thưởng, đó là bằng chứng đánh giá, đồng thời để tác phẩm có điều kiện ra với công chúng.

Đây là một chứng chỉ cho tác giả, dù nhạc sĩ sáng tác trong lĩnh vực ca khúc, hợp xướng, khí nhạc,… đó là ghi nhận thành tích sự sáng tạo. Chúng ta biết, hiện nay mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm âm nhạc nói riêng sức lan tỏa rất lớn, vì vậy khi 1 tác phẩm được ghi nhận bằng công lao sáng tạo của tác giả sẽ có điều kiện lan tỏa ra công chúng. Tôi nghĩ rằng, mọi nhạc sĩ khi nhận được giải thưởng cho dù là giải cao hay giải thấp thì họ cũng có sự tự hào. Giải thưởng âm nhạc hàng năm của Hội nhạc sĩ Việt Nam mong muốn những tác phẩm đạt giải có điều kiện để tung cánh trên bầu trời âm nhạc, hơn ai hết các nghệ sĩ, ca sĩ là những người sẽ chấp cánh để tác phẩm âm nhạc đến được với công chúng một cách nhanh nhất, gần nhất và lâu bền nhất.

PV: Hiện nay, có nhiều nhạc sĩ có xu hướng sáng tác dựa trên cơ sở các làn điệu dân ca, ông có cho rằng đây là hướng đi đúng?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Dân ca luôn là nguồn sáng tạo vô tận, chúng ta càng đi sâu vào dân ca thì càng thấy được thế giới tâm hồn các thế hệ cha ông đi trước đã gửi gắm để lại. Chỉ đi theo mạch nguồn dân ca không thôi chúng ta đã có thể học tập và sáng tạo xuốt đời. Dân ca như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn cho sự sáng tạo của mỗi nghệ sĩ, trong các lĩnh vực, đặc biệt là âm nhạc. Vì vậy nếu nhạc sĩ nào mà cắt đứt quan hệ với cuội nguồn dân ca sẽ là 1 cái cây héo. Còn khi đi vào dân ca chúng ta có điều kiện phát triển, từ chất liệu, từ năng lượng của thế hệ cha ông truyền lại chắc chắn sẽ xây dựng được dòng âm nhạc chuyên nghiệp, dòng âm nhạc mới, đầy đủ màu sắc, bản sắc của dân tộc.

PV: Ông có lời khuyên nào cho các nhạc sĩ trẻ trên con đường sáng tác?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Như chúng ta biết, lao động nghệ thuật rất là vất vả và gian khổ, hơn bao giờ hết âm nhạc ngày nay đòi hỏi người nhạc sĩ phải có sự học tập và luôn luôn phải rèn luyện, cập nhật với trình độ, luồng thông tin, những trào lưu âm nhạc của thế giới. Để nói việc đào tạo những nhạc sĩ trẻ hướng tới tương lai thì những nhạc sĩ trẻ phải luôn có tinh thần học hỏi, đi đúng theo con đường chuyên nghiệp hóa các loại hình, tự học tập quốc tế, học tập trong nước và đặc biệt phải nói được tiếng nói của dân tộc mình, muốn làm như thế phải có những lớp, những trường, nhạc viện đào tạo. Chỉ khi trên nền đào tạo vững chắc, chúng ta mới hy vọng có thế hệ nhạc sĩ trong tương lai làm chủ được nghệ thuật, là chủ được bản thân, sẽ sáng tạo trên nền tảng của học thức của học thuật.

PV: Xin cám ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!./.