Âm nhạc Hàn Quốc (K-pop) vốn rất thịnh hành đất nước mặt trời mọc từ trước tới nay, do vậy sự thờ ơ với một “hiện tượng gây sốt” tầm cỡ “Gangnam Style” của khán giả nước này là một điều bất ngờ. Tại Hàn Quốc, đã có nhiều tin đồn cho rằng việc tranh chấp các quần đảo với Nhật Bản đã khiến ca khúc nổi tiếng trên bị tẩy chay.
Dù cho “Gangnam Style” đã đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh cùng nhiều quốc gia khác, là quán quân iTunes Mỹ và đang xếp thứ hai tại bảng Billboard Hot 100, song tại Nhật ca khúc này chỉ có được vị trí khiêm tốn ở top 30.
Thậm chí nhiều blog về âm nhạc tại Nhật còn tỏ ý nghi ngờ về con số khổng lồ đang tăng lên từng giây của “Gangnam Style” trên Youtube: 530 triệu lượt người xem. Theo các blogger này, mức xem kỉ lục trên là do các cư dân mạng Hàn Quốc sử dụng những phần mềm xem video tự động để đẩy cho ca khúc nước mình lên cao hơn.
Thậm chí cộng đồng mạng Nhật Bản còn gọi cách làm đó là “F5 Style” - ám chỉ phím F5 của máy tính nhằm khởi động lại trang máy tính để được tăng thêm lượt xem.
Một lý do khác giải thích cho việc ca khúc này không thành công tại Nhật là do Psy đã không đi theo xu hướng nhiều ca sỹ Hàn Quốc khác từng làm: tung ra một phiên bản “Gangnam Style” tiếng Nhật.
Vào ngày 22/10, Viện nghiên cứu làn sóng Hàn Quốc (KWRI) - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2010 nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra toàn cầu “một cách quyết liệt” đã có lời đáp trả.
Chủ tịch KWRI là ông Han Koo-Hyun phủ nhận những giả thiết do Nhật Bản đưa ra và cho rằng đây là “hành động nghi ngờ một kỉ lục thế giới trong một cuộc đua Olympic.”
Theo thông cáo báo chí của tổ chức KWRI, “sự hoài nghi về độ phổ biến của ca khúc trên toàn cầu và Youtube này giống như thói ghen tị của một đứa trẻ tiểu học.”
Không những bảo vệ cho thành công của “Gangnam Style,”ông Han còn khơi mào một cuộc chiến mới khi lên tiếng chỉ trích video duy nhất của Nhật Bản lọt vào top 30 video được xem nhiều nhất mọi thời trên Youtube. Video trên đang đứng thứ 29 với 237 triệu lượt xem và cho thấy một cô gái Nhật trẻ trung thả một viên kẹo mentos vào chai Coca để rồi loại nước này bắn tung tóe khắp nơi.
Ông Han giễu cợt nội dung video trên khi cho rằng nó là thứ “nhảm nhí và lố bịch nhất trong toàn bộ danh sách,” và còn nói thêm rằng “đây là một ví dụ cho thấy gu thưởng thức video của người Nhật là như thế nào.”./.