Bán cho 10.000đ ấm áp!

Bạn có thể thưởng thức món “ấm áp”  với giá 10.000đ, món “hơi thở nồng ấm” giá 15.000đ hay món “tươi trẻ” với gía chỉ 5000đ trong gian bếp nhỏ ấm cúng của Nguyễn Hồng Ngọc, cô sinh viên năm cuối ĐH Mỹ thuật, tại không gian chung của dự án nghệ thuật “Những chân trời có người bay” đang diễn ra tại 27 Quang Trung, Hà Nội.

Nếu tách khỏi không gian chung của dự án, gian bếp nhỏ ấm cúng với những kệ, bàn và ghế được đóng bằng những thanh gỗ dài, đơn giản giống như bất cứ gian bếp của bất cứ gia đình nào. Điều đặc biệt chỉ nằm ở chỗ những món ăn được bán cho khách tham quan thưởng thức với những tên gọi rất gợi cảm như trên.

nguyen%20hong%20ngoc.jpg
Nguyễn Hồng Ngọc quan niệm chế biến món ăn cũng giống như làm nghệ thuật

Ý tưởng để Nguyễn Hồng Ngọc làm studio này đơn giản là ý nghĩa bữa cơm gia đình là nơi chia sẻ tình cảm. Ngọc quan niệm người nội trợ chế biến món ăn cũng giống như làm nghệ thuật, mỗi món ăn như một tác  phẩm. Nếu biết thổi tâm hồn, tình cảm vào công việc thì mỗi món ăn có thể mang lại cảm hứng, sự thoải mái cho người thưởng thức. Vì thế, tên mỗi món ăn được Ngọc đặt theo cảm xúc gợi lên cho cô khi ăn món ăn đó: “ấm áp” là món cháo thịt băm, “ngọt ngào” là món ngô, khoai luộc gắn liền với ký ức tuổi thơ, “tươi trẻ” là món sữa đậu nành…

Thưởng thức các món ăn trong gian bếp nhỏ, Đỗ Hồng Hà và nhóm bạn là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ cho biết họ cảm thấy ngon miệng hơn khi các, món ăn gắn với những tên gọi đầy cảm xúc như vậy. “Đến đây em mới thấy nghệ thuật đương đại có những cách trình diễn cũng đơn giản, gần gũi, dễ hiểu mà vẫn nhiều ý nghĩa như vậy”- Hà nhận xét.

Lại Diệu Hà bên một thiết kế nằm trong seri Trắng của cô

Không chỉ có studio của Nguyễn Hồng Ngọc mà đa số các dự án nhỏ nằm trong “Những chân trời có người bay” đều có cách thể hiện ý tưởng khá gần gũi với công chúng. Studio “Xưởng may” được điều hành bởi Lại Diệu Hà và Nguyễn Quốc Thành trưng bày những sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn của hai nghệ sỹ. Lại Diệu Hà yêu thích chất liệu vải tự nhiên và thiết kế những trang phục có hình dáng vững chắc, cứng cáp như hình khối trong điêu khắc. Diệu Hà mong muốn hướng công chúng cũng yêu thích những loại vải tự nhiên vì tốt cho sức khỏe. Người xem có thể mặc thử hoặc mua các sản phẩm của cô trưng bày tại đây.

 Nguyễn Quốc Thành thì quan tâm tới đề tài những người lính vì cha anh là bộ đội. Quốc Thành dùng áo, quần cũ của hai bố con để may thành những trang phục mới, thể hiện sự tiếp nối giữa hai thế hệ trong cùng một tấm áo. Ngoài ra, Quốc Thành sẽ có một triển lãm chân dung các tân binh trong khuôn khổ dự án này.

Studio mở và ước mong đến gần công chúng hơn

Hầu hết các hoạt động của dự án được tiến hành trong khuôn viên của Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội. Không gian ở đây được kiến trúc sư người Nhật Tsuneo Noda thiết kế lại với sàn được phủ bằng những thanh gỗ dài đóng thành ván và các studio nhỏ cũng sử dụng vật liệu này là chủ đạo. Các studio mở trong suốt thời gian diễn ra sự kiện để khách tham quan có thể quan sát, trao đổi với các nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo.

Nghệ sỹ Nguyễn Phương Linh, giám tuyển và cũng là người thiết kế ý tưởng cho dự án cho biết studio mở là phương pháp thực hành nghệ thuật được biết đến rộng rãi trên thế giới nhưng chưa được thực hiện nhiều ở Việt Nam. Phương Linh và các nghệ sỹ hy vọng rằng các studio mới lạ này sẽ trở thành một không gian, một bàn đạp nghệ thuật đem lại cảm hứng không chỉ cho những người làm nghệ thuật mà còn cho toàn bộ khán giả đến tham dự.

Sắp đặt video của Nguyễn Trần Nam. Trong tác phẩm này, tác giả quan tâm đến những cảnh vật tự nhiên đã bị biến mất và thay thế bằng những cảnh quan nhân tạo. Đặt trong studio này là một cái hồ nhỏ tương tự những cái hồ thật khác ở Hà Nội bằng chính gạch và xi măng lấy về từ những cái hồ đó. Tác giả cho vào đó thức ăn, mật ong, nước mắm, mắm tôm để côn trùng có thể đến ăn. Video chiếu trong cái hộp gỗ này là cảnh vật tự nhiên, các con côn trùng.

Các studio mở tạo cơ hội cho công chúng tiếp cận với công việc sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ, một lĩnh vực còn ít nhiều “bí mật”. Sự trao đổi cởi mở giữa nghệ sỹ và công chúng có thể giúp họ xích lại gần nhau hơn, để các tác phẩm nghệ thuật đương đại gần gũi, quen thuộc hơn với nhiều người hơn nữa.

Bên cạnh các hoạt động trong studio, còn có những buổi nói chuyện của các nghệ sỹ về việc biến những ý tưởng thành tác phẩm nghệ thuật, về những thuận lợi, khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật đương đại và  những trải nghiệm thú vị của họ trong lĩnh vực này. Có thể nói “Những chân trời có người bay” là sự mở lòng hết cỡ của các nghệ sỹ với ước mong đến gần công chúng hơn.

Cứ đi rồi sẽ đến, không biết bao giờ họ sẽ đến nhưng họ đang hạnh phúc trên con đường đi không mấy dễ dàng của mình./.