Cụ Lữ Hữu Thi được xem là “báu vật nhân văn sống”, là nghệ nhân cuối cùng của Nhã nhạc cung đình Huế. Sinh năm 1910, cụ biết sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống từ nhỏ như đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản…
Từ năm 15 tuổi, cụ Thi đã phục vụ nhã nhạc cho vua Khải Định và sau đó là Bảo Đại. Nghệ nhân Lữ Hữu Thi thuộc đội Tiểu nhạc thuộc đoàn Nhã nhạc cung đình Huế đã biểu diễn không biết bao nhiều lần cho triều đình nhà Nguyễn tại Huế.
Cụ Lữ Hữu Thi trong đêm tôn vinh các nghệ nhân ở Festival Huế 2014 |
Sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESSCO công nhận là Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003, cụ Thi được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mời làm cố vấn, dạy truyền nghề cho Đội Nhã nhạc cung đình Huế từ đó cho đến nay.
Năm 2015, nghệ nhân nhã nhạc Lữ Hữu Thi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có những đóng góp xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi dù tuổi cao vẫn chơi các loại nhạc cụ cung đình rất sắc sảo (ảnh: TTXVN) |
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi qua đời là một mất mát rất lớn của Nhã nhạc cung đình Huế vì thế hệ nhã nhạc triều Nguyễn xưa còn lại đến nay đã không còn ai. Tuy nhiên một điều may mắn là nhiều con cháu của cụ Thi đã được cụ truyền nghề, phần lớn hiện nay đều là nhạc công Nhã nhạc cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế./.