Riêng ở phía Bắc, các danh thủ cờ không ai không biết tới hội cờ người chùa Vua từ mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch.

Nhiều người vẫn truyền nhau rằng: “Phi chùa Vua bất thành danh thủ”, tức là chưa đánh cờ ở Chùa Vua thì chưa được coi là danh thủ. Các kỳ thủ đến hội cờ Chùa Vua giành giải quán quân liên tiếp trong 3 kỳ hội sẽ được khắc tên vào bia đá lưu niệm đặt tại di tích.

229900767_co_nguoi_9.jpg
Cờ người thể hiện truyền thống dựng nước giữ nước của dân tộc ta. (ảnh: TT&VH)

Cho đến nay, dù đã trải qua nhiều hội thi nhưng số người được ghi danh vào “bảng vàng” danh dự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, đến hẹn lại lên, hàng trăm danh thủ kỳ tài đất Bắc đến ghi danh thi đấu mỗi dịp tết đến xuân về. Những vùng lân cận như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương… dù ở xa nhưng hầu như chưa năm nào vắng mặt mỗi khi tới kì khai hội cờ người.

Đến nay đã 17 năm đi phục vụ lễ hội, ông Nguyễn Tiến Cam - người dân vùng cờ Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội không giấu nổi niềm tự hào giới thiệu về trò chơi dân gian này: “Cờ người thể hiện văn hóa trí tuệ của dân tộc. Ngày xưa để tổ chức chơi cờ người phải là ông trùm có năng lực, gia đình giàu có và phải nuôi quân tại nhà trong thời gian đào tạo. Bây giờ tham gia chơi cờ người với tinh thần tự giác là chính. Ông trùm chỉ đứng chỉ đạo các cháu chứ không phải nuôi như ngày xưa nữa.”

Là nơi diễn ra lễ hội cờ có quy mô lớn nhất đất Bắc đầu xuân mới, Chùa Vua - tọa lạc ở phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thường được gọi là “Kỳ Miếu Thăng Long”. Trong khuôn viên chùa có điện thờ Ðế Thích - được dân gian coi là người đánh cờ giỏi nhất cả cõi người, cõi trời. Tương truyền, đến đời Lê, vì ngưỡng vọng Ðế Thích, một vị hoàng tử nhà Lê mê cờ đã chọn chùa Vua làm trung tâm đấu cờ tướng của kinh đô Thăng Long. Tục lệ đó được gìn giữ đến ngày nay, ước chừng đã năm thế kỷ. Sân Chùa Vua chính là bàn cờ khổng lồ bằng đá dành cho trận đấu cờ chung kết.

Cờ Người thực chất là một môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Đây là những nam thanh, nữ tú được tuyển chọn từ các gia đình nề nếp. Hai tướng (Tướng ông và Tướng bà) là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ.

Trang phục trên sân cờ là màu quân đỏ hoặc vàng dành cho 16 chàng trai và màu quân đen hoặc xanh dành cho 16 thiếu nữ. Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá quan văn võ, chân đi hài, lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để khi chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ.

Hai bên quân tướng được mặc trang phục thời xưa. (ảnh: TT&VH)

Ông Lê Đình Bội, Chủ nhiệm câu lạc bộ cờ tướng Chùa Vua cho biết: “Hình dung là đội quân ra trận chiến đấu bảo vệ đất nước, tổng cờ là tướng dắt quân ra mặt trận thì có múa sinh tiền, phường bát âm để tiễn, chúc mừng hai đội quân chiến thắng trở về. Người đóng vai tướng dắt rải quân, đầu tiên rải hàng tốt đến hàng pháo, xe, mã, tượng, sĩ, tướng. Sau khi rải xong tướng làm nhiệm vụ đi một vòng kiểm tra xem quân mình dàn trận đúng chưa, sau khi kiểm tra xong rồi mới vào ghế tướng ngồi.”

Khác với những môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền hay vật, chơi cờ người thường tụ hội rất đông người xem nhưng tất cả đều cố giữ im lặng để người chơi không bị phân tâm. Người bình luận không được phép nói trước, khi quân cờ đi rồi mới bình luận nước đi như thế nào, ý đồ ra làm sao. Ngoài 32 người chơi trong sân, cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Cuộc đấu trí càng căng thẳng hơn khi mỗi nước cờ có tiểu đồng đánh trống bỏi thúc cờ ở mỗi bên. Nếu quân cờ chưa đi thì trống cái bên ngoài lại thúc giục một lần nữa. Bên nào có quân tướng bị chiếu bí là thua. Vì thế, mỗi cuộc thi cờ là một cuộc đấu trí, đấu lực và cả tốc độ.

Qua bao thế kỉ, cờ người dù có phong phú hơn về hình thức tổ chức thi đấu nhưng vẫn giữ được tinh thần, khí thế, không chỉ là những cuộc đấu trí mà cũng là dịp mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và những thú chơi dân gian trong mỗi dịp tết đến, xuân về cũng khiến cho con người và trời đất được giao hòa, gắn kết với hi vọng bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới./.