Với khá nhiều điểm mới, Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM lần thứ 14 đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng đông đảo người yêu thơ. Không chỉ mang đến nhiều hoạt động, sân chơi ý nghĩa xoay quanh chủ đề “Xuân mới, phát triển mới”, ngày thơ năm nay còn tạo cơ hội để các tác giả trẻ thể hiện tài năng và đến gần hơn với độc giả.

ngay_tho_hltj.jpg
Viết thư pháp trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 12 tại TPHCM. (ảnh: PNO)

Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM năm 2016 bao gồm các hoạt động như: hội thảo “Sức sống thi ca đô thị”, hoạt động trưng bày lều thơ, giao lưu thơ ca, trình diễn kịch thơ... Tuy năm nay số lượng câu lạc bộ tham gia ngày thơ chỉ khoảng 20 câu lạc bộ, thấp hơn năm trước nhưng hoạt động này đã được đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng từ nội dung đến hình thức thể hiện.

Ông Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, Phó Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM lần thứ 14 nói: "Chương trình Ngày thơ Việt Nam tại TP HCM năm nay được mở rộng phạm vi hoạt động và phong phú hơn. Chúng tôi không chỉ tổ chức hội thảo bàn về chuyện nghề, tổ chức giao lưu, sinh hoạt cho cho các câu lạc bộ mà còn nỗ lực đưa thơ đến với sinh viên”.

Xoay quanh chủ đề chính, mỗi câu lạc bộ chọn cho mình góc nhìn riêng để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Nếu như Câu lạc bộ Thơ ca Làng hoa Gò Vấp chọn chủ đề “Tình dân nghĩa Đảng” thì Câu lạc bộ Thơ, Hát quan họ Kinh Bắc Quận 1 trải lòng với chủ đề “Nguyên tiêu nhớ Bác Hồ”. Trong khi đó, Hội thơ Sao Khuê chọn chủ đề "Mùa xuân đổi mới, mùa xuân hội nhập" để tham gia ngày thơ năm nay. Mang đến trên 200 đầu tác phẩm dành tặng khách tham quan, gần 40 thành viên của hội mong muốn lan tỏa tình yêu thơ đến mọi người.

Nhà thơ Phạm Trung Tín, Phó Chủ nhiệm Hội thơ Sao Khuê cho hay: “Với chủ đề “Xuân mới, phát triển mới”, các thành viên Hội thơ Sao Khuê thể hiện sự tâm đắc đối với quá trình phát triển của đất nước và có những nghiên cứu, tìm tòi để sáng tác ra những tác phẩm phục vụ cho công cuộc đổi mới của đất nước. Chúng tôi cũng có những trào lưu thơ mới đi sâu vào việc ca ngợi quê hương, đất nước, những con người có nhiều đóng góp cho đất nước”.

Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm Nguyên tiêu, bà Trịnh Xuân Oanh, một người dân ở quận Gò Vấp lại đến tham quan, giao lưu tại ngày thơ. Dạo một vòng quanh các lều thơ, bà Oanh phấn khởi vì năm nay, ngày thơ có nhiều hoạt động thú vị:“Năm nay tôi thấy ngày thơ có nhiều đổi mới. Về thơ cũng đổi mới, cách trình bày cũng nhiều thay đổi, câu lạc bộ thoáng mát và công tác tổ chức cũng hay hơn năm ngoái".

Tham gia ngày thơ suốt 13 năm qua, năm nay, các thành viên Sân thơ Trẻ quyết định thổi thêm làn gió mới cho hoạt động giao lưu để thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên. Bên cạnh việc giới thiệu và bày bán các tác phẩm hay của khoảng 100 tác giả trẻ để gây quỹ ủng hộ các nhà thơ, nhà văn trẻ còn khó khăn tại thành phố, Sân thơ trẻ còn tạo ra 3 điểm nhấn tại ngày thơ năm nay.

Nhà thơ Minh Đan, phụ trách chính Sân thơ Trẻ cho biết: “Điểm nhấn thứ nhất là về kịch thơ. Với kịch thơ, chúng tôi hướng về biển đảo của Tổ quốc. Còn với chương trình mời thơ, năm nay chúng tôi bố trí cho các bạn trẻ cùng mời thơ các lớp cha chú đàn anh đi trước để chia sẻ những kinh nghiệm về thi ca cũng như chia sẻ về hoài bão, ước mơ để làm sao đưa hoạt động văn học tại thành phố ngày càng phát triển. Và điểm nhấn thứ ba đang thu hút đông đảo giới trẻ tại sân thơ của chúng tôi năm nay là ký họa về chân dung mà trong đó có sự sắp đặt về thơ”.

Sau đêm khai mạc và giao lưu thơ đầy màu sắc, vào chiều 22/2, các nhà thơ tiêu biểu tại thành phố sẽ tham gia chương trình giao lưu với giảng viên, sinh viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM./.