Hàn Quốc có tỷ lệ tự vẫn cao nhất trên thế giới?
Mặc dù không có con số thống kê cụ thể nhưng các nghệ sĩ danh tiếng của Hàn Quốc tìm đến cái chết nhiều hơn ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc. Trung bình, cứ 100.000 người Hàn thì có tới 21,5 người tự vẫn. Có đến 40% diễn viên Hàn Quốc đã từng nghĩ đến việc tự vẫn.
Luận văn thạc sĩ của Park Jin Hee tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) có đoạn: “Cứ 10 diễn viên Hàn Quốc thì có tới 4 người mắc phải chứng trầm cảm và luôn nghĩ đến việc tự vẫn. Khoảng 20% diễn viên đã mua các độc dược hay “dụng cụ” để tự tử”. Để có được con số thống kê cho luận văn của mình, Park Jin Hee đã phỏng vấn 260 diễn viên. Có những diễn viên đã nói rằng: “Tôi thấy mệt mỏi khi phải sống. Tôi muốn chết” hay “Tôi muốn tự vẫn và thường nghĩ đến điều đó”.
|
Có đến 40% diễn viên Hàn Quốc từng nghĩ tới cái chết |
Hwang Sang Min, một nhà tâm lý thuộc trường Đại họcYonsei cũng cho biết: “Người Hàn có những lựa chọn quyết liệt khi họ không còn có khả năng thể hiện khía cạnh tốt nhất của mình trước mọi người. Chiều hướng đó ngày càng mạnh mẽ hơn trong số các nhân vật nổi tiếng khi sinh kế dựa vào danh tiếng của họ”.Trên thực tế, trong những năm gần đây, số lượng người nổi tiếng của Hàn Quốc tự vẫn ngày càng tăng. Từ những cái tên như Jeong Da Bin, Ahn Jae Hwan, Choi Jil Sil, Park Yong Ha, Park Jung Min, Chae Dong Ha, Kim Chu Ryun… rồi mới nhất là Jo Sung Min, Kim Soo Jin. Trong những bức thư tuyệt mệnh họ để lại cũng chỉ vẻn vẹn lời “Xin lỗi” hoặc bày tỏ sự thất vọng và chán chường với cuộc sống.
Số lượng những vụ tự tử của sao Hàn ngày càng tăng trong những năm gầy đây |
Cá biệt ngoài những nguyên nhân như áp lực công việc, trầm uất kéo dài thì còn có một vài nguyên nhân khác như thua lỗ cổ phiếu, nợ nần tiền bạc hay bị ép lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình… cũng dẫn tới các vụ tự vẫn của sao Hàn. Ngoài ra, các quan chức nước này cho rằng, Internet phát triển cũng là một trong những nguyên nhân đẩy các sao Hàn tới bước đường cùng khi mà mọi thứ hở ra đều được tung lên mạng. Mà người góp phần không nhỏ cho những chủ đề ồn ào trên mạng đó chính là “fan cuồng”.
“Fan cuồng” và những hệ lụy
Thật dễ dàng khi chỉ cần đánh tên của người nổi tiếng lên mạng là có thể tìm ra tất tần mọi thứ từ ngày sinh tháng đẻ, sự nghiệp cho đến những chi tiết nhỏ nhoi về cuộc sống đời thường của sao. Không lúc nào có thể thiếu những scandal hẹn hò hay những hành vi “không đẹp” của người nổi tiếng như vạ miệng, hút thuốc, uống rượu… được tung lên mạng. Đặc biệt là khi mà mỗi bước chân của sao đều có “fan cuồng” đi theo.
Ở Hàn, cụm từ “fan cuồng” còn được đặt cho một cái tên riêng là “sasaeng fan”. Những fan hoặc nhóm fan hâm mộ thường xuyên túc trực và đi theo thần tượng gần như 24/7. Ở ngoài đường, họ luôn cố gắng bám theo hay chặn đầu xe để tìm mọi cách sờ vào thần tượng. Một số người còn xúc phạm, chửi rủa, thậm chí là giật tóc, đánh đập thần tượng để khiến “thần tượng nhớ đến lâu hơn người khác”. Một số khác tìm mọi cách đột nhập vào nhà thần tượng và lục tung mọi thứ riêng tư để tung lên mạng.
Là một trong những nhóm nhạc có số lượng “sasaeng fan” đông nhất, thành viên Yun Ho của DBSK đã từng uống phải nước có hồ dán do fan cuồng đưa và phải phẫu thuật, thành viên Chang Min đã từng phải điều trị tâm lý vì bị fan cuồng đe dọa, tấn công bằng túi đựng đầy đá và bẻ gãy ngón tay. Các thành viên nhóm JYJ tách ra từ DBSK cũng phải chịu cảnh đeo bám khắp nơi và thậm chí bị “fan cuồng” tát vào mặt khi đang di chuyển. Nhóm nhạc Super Junior cũng từng bị fan cuồng dàn xếp tai nạn đâm xe để bắt các thành viên chịu trách nhiệm…
Các thành viên của nhóm JYJ bị "fan cuồng" tấn công và đeo bám |
Hàng loạt các hành động của “fan cuồng” đã gây ra tâm lý căng thẳng không lúc nào dịu bớt của sao. Không chỉ thế, việc cạnh tranh để giữ được công việc, giữ được sự nổi tiếng trong sự đào thải khắc nghiệt của làng giải trí Hàn Quốc cũng khiến sao phải chịu áp lực nặng nề. Sao phải làm việc liên tục, có khi chỉ ngủ được 2-3 tiếng/ngày, chưa kể, còn bị quản lý gắt gao về thời gian và các mối quan hệ riêng tư. Thậm chí, khi sao có dấu hiệu bị trầm cảm, lại không dám đến bác sĩ điều trị vì lo ngại tin đồn không tốt.
Cũng không ở nước nào mà tin đồn lại có thể trực tiếp “giết chết” sao như ở Hàn Quốc. Sự nghiệp, danh tiếng, nhân cách… đều có thể trực tiếp bị phá hủy chỉ vì một tin đồn vẩn vơ mà các cư dân mạng tạo dựng lên. Cái chết của nữ diễn viên Choi Jin Sil là một trong những hệ lụy của tin đồn và đã lấy đi bao nước mắt của người hâm mộ.
“Làn sóng tự tử theo thần tượng” lại có thể bị dấy lên
Còn nhớ khi Choi Jin Sil qua đời, showbiz Hàn rơi vào sự ảm đạm chưa từng có. Cái chết của cô được đánh giá là gây tổn hại nghiêm trọng đến tâm lý dư luận. Ngay sáng 2/10/2008, sau khi phát hiện thi thể Choi Jin Sil tại nhà riêng, cảnh sát cũng tìm được hai phụ nữ treo cổ khác cũng tương tự như trường hợp của Choi Jin Sil. Trước đó, vào năm 2005, sau vụ tự tử của nữ diễn viên Lee Eun Joo, tỷ lệ quyên sinh trong giới showbiz đã tăng một cách đáng kể.
Cái chết của Choi Jin Sil làm dấy lên lo ngại về "làn sóng tự tử" |
Các chuyên gia cho rằng, hành vi bắt chước một cách mù quáng là nguyên nhân gây ra tỷ lệ tự vẫn ngày càng tăng trong số các nhân vật danh tiếng. Đặc biệt hơn là, việc làm của người nổi tiếng đã gây ảnh hưởng lớn tới người hâm mộ.
Bác sĩ tâm lý Oh Kang Seob lo lắng bày tỏ: “Khi người nổi tiếng tìm đến cái chết, những người từng rất “sùng bái” họ cảm thấy chẳng còn lý do gì để tiếp tục sống. Kiểu suy nghĩ như vậy đang lan tỏa và làm gia tăng thực sự tỷ lệ tự vẫn. Đó chính là lý do tại sao việc tự tử của các nhân vật danh tiếng lại gây ra lo lắng thêm”.
Trong thời gian gần đây, số lượng các nghệ sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam để quay chương trình ngày càng nhiều. Đã có hàng ngàn người hâm mộ tụ tập ở sân bay, khách sạn, nơi diễn ra chương trình chỉ đề nhìn và cổ vũ thần tượng từ xa. Cũng từng có trường hợp, người hâm mộ đe dọa tự tử nếu như không được đi xem sao Hàn, khóc sướt mướt khi không gặp được sao Hàn…