Sáng 10/2 tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống đền, chùa Hòa Liễu. Lễ hội Minh Thề được ghi nhận là một trong những nghi thức lễ hội “độc nhất vô nhị” ở nước ta về chống tham nhũng. Ở đó, những lời thề lấy chí công làm trọng đã vang lên giữa trời đất thể hiện sự quyết tâm của con người về một đạo lý, nhân cách sống trong sạch, tử tế, không tham của công.

le_hoi1_vov_cqks.jpg
Lễ hội Minh Thề 2017.

Chùa Thiên Phúc, thôn Hoà Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII. Tương truyền giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay để gây dựng, quy tụ sức dân và được dân làng đồng lòng ủng hộ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, bà đã lập ra một Hịch văn quy định lấy chí công làm trọng và tổ chức hội Minh Thề.  

Trải qua thăng trầm lịch sử, Hội Minh Thề được khôi phục đến nay đã 14 năm, trở thành điểm đến của đông đảo người dân và du khách thập phương trong mùa lễ hội tháng Giêng. Sau tiếng trống khai hội là phần nghi lễ hết sức trang trọng: tấu Hịch Minh Thề, ngắn gọn, xúc tích, hàm chứa những giá trị đạo đức sâu sắc.

Truyền tay nhau cùng uống chén rượu thiêng hòa tiết “kim kê” thể hiện sự quyết tâm thực hiện đúng lời thề.

Hịch Minh Thề không chỉ là những lời thề đanh thép thể hiện quyết tâm lòng trong, tâm sáng của các vị công vụ đương chức trong làng mà còn là sự gửi gắm lòng dân mong muốn về sự chí công vô tư. Nghi lễ cuối cùng, mỗi người truyền tay nhau cùng uống chén rượu thiêng hòa tiết “kim kê” thể hiện sự quyết tâm, nhất trí, đồng lòng thực hiện đúng lời thề.

Giữa không gian thiêng liêng nơi đền, chùa Hòa Liễu, hội Minh Thề không chỉ nhắc nhở người dân không tham lam, quan không tham nhũng mà còn giáo dục truyền thống, đạo đức tốt đẹp mà bao đời nay nhân dân ta hướng tới. Để rồi, những lời văn hịch vừa hòa hợp giữa yếu tố tâm linh và đời thực, sẽ là tư tưởng cốt lõi để soi chiếu, trở thành quy chuẩn xã hội, là luật pháp, đạo đức ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào./.