- Xiếc “Làng tôi” về với Việt Nam
- Xiếc Việt tự tin khẳng định thương hiệu
- Khán giả nhí luôn đáng yêu và nhạy cảm
Một cách diễn xiếc mới
“Làng Tôi” đã ra mắt khán giả từ năm 2005 với phiên bản đầu tiên lên tới 100 người biểu diễn. Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người. Sau hai buổi diễn thử trong nước, “Làng tôi” đã “khăn gói” lên đường đi Pháp, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu khác với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của xiếc Việt Nam cùng bạn bè quốc tế.
Sau nhiều năm “bôn ba” nơi đất khác quê người, vở xiếc “Làng tôi” đã trở lại Việt Nam với đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 10/8.
Buổi diễn đã thực sự gây được nhiều ấn tượng với người xem bởi sự sáng tạo của người dàn dựng, sự điêu luyện của các diễn viên…
Nếu ai nghĩ rằng diễn xiếc chỉ là để cho những em nhỏ hay “mua vui” thì khi xem “Làng tôi” sẽ hoàn toàn thay đổi.
Từ đạo cụ cho tới hình ảnh, trang phục trong xiếc "Làng tôi" đều mang đậm chất nông thôn Việt Nam |
Trong khoảng thời gian gần 2 giờ đồng hồ và với sự dàn dựng của đạo diễn: Nguyễn Lân (Giám đốc nội dung đào tạo của Trường Nghệ thuật Xiếc TP.Chambéry, Pháp); Tuấn Lê (tốt nghiệp Trường Xiếc Quốc gia TP HCM, hiện sống và làm việc ở Berlin, Đức); Nguyễn Nhất Lý (tốt nghiệp ĐH Paris VIII, nguyên Chủ tịch Hội đoàn Art –Ensemble, Pháp) và 20 diễn viên thì những gì thân quen nhất của làng quê Việt Nam đã được tái hiện qua những tiết mục xiếc. Không chỉ là những màn diễn xiếc đơn thuần mà nó là cả một câu chuyện, là những gì diễn ra hàng ngày ở làng quê Việt Nam.
Đạo diễn Tuấn Lê của “Làng tôi” cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên phải “đa năng”, vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn...”.
Chỉ với đạo cụ là những cây tre, "Làng tôi" đưa người đến với những tiết mục xiếc hết sức ấn tượng |
Đúng như vậy, ngay từ cái tên “Làng tôi” đã cho khán giả thấy được điều gì ẩn chứa phía sau. Với người Việt Nam, hai chữ “Làng tôi” là điều gì đó thật quen thuộc, mộc mạc và giản dị… xiếc “Làng tôi” đã thành công khi tái hiện được điều đó.
"Làng Tôi” không quá gay cấn, không có quá nhiều nút thắt, nhưng lại mang vẻ đẹp của một công trình kiến trúc bằng tre mà trong đó các nghệ sĩ như những người thợ xây, không ngừng biến hóa, nhào lộn, để tạo nên sự cân bằng và vẻ hoàn mỹ cho tác phẩm.
Sân khấu "Làng tôi” cũng không sặc sỡ dưới ánh đèn màu, chỉ đơn thuần được đánh sáng để nổi bật một màu nâu chàm - sắc nâu quen thuộc và gắn bó với những người nông dân Việt Nam. Cảnh phông “tĩnh” là những mành tre – bao gồm khoảng chục cây tre dài cùng với ống nứa, rổ tre, mõ tre, mành tre, vừa là những đạo cụ mang tính chủ đạo, vừa là chất liệu duy nhất để nghệ sĩ tung hứng và làm xiếc.
Tiết mục đi thăng bằng trên những cây tre đòi hỏi sự điêu luyện của các diễn viên |
Cùng với đó là sự chuyển động và biến đổi không ngừng của dàn diễn viên 20 người trên những thân tre ấy tạo ra sự tương phản giữa “cái động” và “cái tĩnh”, khiến chúng hòa hợp và tôn lẫn nhau đẹp lên.
Không chỉ vậy, những âm thanh như: từ tiếng gà gáy ban mai đến câu ca trong buổi chiều tà, tiếng gió rì rào của rặng tre đến tiếng tụng kinh gõ mõ của bậc tu hành, những câu ca khi mẹ ru con ngủ đến tiếng hò vu vơ của các đôi trai gái trong làng… đều được đạo diễn sử dụng thật sống động và nhuần nhuyễn. Qua đó đưa người xem qua hết không gian này đến không gian khác. Tất cả những điều đó khiến khán giả như đang sống giữa một vùng quê Việt rất đỗi thanh bình chứ không phải là xem xiếc nữa.
“Làng tôi” để lại nhiều ấn tượng với khán giả
Nếu đơn thuần, “Làng tôi” cũng giống những tiết mục xiếc mà mọi người vẫn thấy tại các rạp thì chắc chắn sẽ không có gì ngạc nhiên hay đặc biệt để phải chú ý. Nhưng “Làng tôi” là cả một câu chuyện, nó có ý tưởng, nội dung rõ ràng. Bằng tài năng và kĩ thuật điêu luyện, họ diễn xiếc bằng ánh mắt, lời nói và bằng chính cảm xúc của mình. Điều đó khiến “Làng tôi” trở nên thú vị và lặng đọng lại những cảm xúc khi người xem ra về.
Anh Nguyễn Văn Nam, Tây Hồ, Hà Nội sau khi xem xong đã phải thốt lên: “Quá tuyệt vời và ấn tượng! Đây không chỉ là xiếc mà còn là một câu chuyện, vở kịch thú vị khiến tôi không thể dứt ra được. Mong rằng sẽ có nhiều vở xiếc như vậy được dàn dựng tại Việt Nam”.
Từ trái sang là 3 đạo diễn của vở diễn, bằng sự sáng tạo - họ đã đem đến cho khán giả một đêm diễn ấn tượng và tuyệt vời |
Còn đối với chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội thì vở diễn đã đưa chị trở về sống giữa một vùng quê thanh bình với tiếng gà gáy, lời mẹ ru hay tiếng gõ mõ… tất cả đều như đang ở trước mắt chị.
Khi được hỏi về ý tưởng của “Làng Tôi”, nghệ sĩ Lê Tuấn chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện một vở xiếc mang đậm hồn dân tộc với dụng cụ chủ yếu là cây tre. Chúng tôi muốn các bạn trẻ hướng về cội nguồn dân tộc cũng như mang nét đẹp văn hóa Việt Nam tới nhiều quốc gia trên thế giới...”.
Đêm diễn khép lại, sự trở về của “Làng tôi” đã thực sự gây được ấn tượng trong lòng khán giả. Điều đó được thể hiện bởi những tràng pháo tay, lời cổ vũ, khen ngợi mà khán giả dành cho đoàn khi sân khấu được khép lại. Tất cả sự thành công đó là nhờ có một tập thể biết đoàn kết, gắn bó với nhau./.