Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ đang diễn ra tại Hà Nội và thu hút đông đảo khán giả. Đến đây, khán giả không chỉ được thưởng thức những tác phẩm đỉnh cao của tác giả Lưu Quang Vũ mà để chiêm nghiệm nhiều vấn đề mang tính thời sự trong mỗi tác phẩm của nhà viết kịch nổi tiếng một thời. Để có được điều này, các nghệ sĩ sân khấu đã đưa hơi thở đương đại vào các tác phẩm, khiến mỗi vở diễn đều mang câu chuyện của ngày hôm nay.

mau-ha-cuoi-cung-(6).jpg
Một cảnh trong vở diễn “Mùa hạ cuối cùng” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Nếu ở vở diễn “Mùa hạ cuối cùng”, diễn viên trẻ Tùng Linh thể hiện thành công một Hữu Châu cá tính, nổi loạn, đặc trưng cho tuổi trẻ thì ở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ Quốc Khánh đã lột xác với vai một anh hàng thịt hoạt bát, sỗ sàng, lưu manh.

Trong khi đó, vở diễn “Ông không phải bố tôi” của Nhà hát Kịch Hà Nội lại không đi tìm những giá trị thời sự, không đặt nặng vấn đề xây dựng con người thời mở cửa mà nhấn mạnh đến bề sâu tâm lý nhân vật trung tâm Nguyễn Mạnh Thiết. Qua đó, tinh thần tác phẩm được thể hiện đầy mới mẻ.

Tâm sự về vai diễn hàng thịt, nghệ sĩ Quốc Khánh cho biết: “Tôi tìm từ những gì mình đang có, những gì là thế mạnh hay thế yếu. Tôi một thân thể hơi gầy, không rõ bản chất phàn ăn tục uống của anh hàng thịt thì tôi lại phải tạo một tính cách nhanh nhẹn, hoạt bát, có một chút sỗ sàng, lưu manh… Tất cả những cái đó tôi phải dựa trên hình thể của mình để tạo nên điều đó và sáng tạo nên một nhân vật của mình. Để làm sao khán giả vẫn cảm nhận được nội dung, tâm lý của nhân vật”.

Một cảnh trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Đặc biệt, để có hơi thở thời đại, các đạo diễn đã mạnh dạn thể hiện các cách hình thức sân khấu mới. Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung thành công khi đưa ngôn ngữ điện ảnh vào tác phẩm “Mùa hạ cuối cùng”, nghệ sĩ ưu tú Tú Mai với hiệu ứng đèn led tinh tế trong “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Lời thoại trong nhiều vở như: "Điều không thể mất" (Nhà hát Kịch Quân đội); "Ông không phải bố tôi" (Nhà hát Kịch Hà Nội); "2.000 ngày oan trái" (Đoàn Cải lương Hải Phòng)…được sửa đổi, không đặt nặng tính giáo lý mà đề cao sự gần gũi, hóm hỉnh. Nhiều vở dù là chính kịch song vẫn lấy được tiếng cười từ hàng ghế khán giả.

Đạo diễn, NSƯT Chí Trung chia sẻ: “Phiên bản mới này tôi kết hợp sân khấu với điện ảnh, đưa ngôn ngữ đời mới vào. Tôi có mời cố vấn điện ảnh là anh Phạm Việt Thanh vào cuộc, ekip sáng tạo khá hùng hậu. Lâu lắm rồi chúng tôi mới mời nhạc sĩ viết cho vở, có ca sĩ hát chủ đề và có nhạc viết theo tiết tấu cảm xúc của vở. Lâu nay, vì kinh phí có hạn nên thường cứ chọn nhạc các loại đưa vào kịch”.

Vẫn chất kịch tạo nên tên tuổi Lưu Quang Vũ, cái ác được phơi bày ở muôn hình vạn trạng, đọng lại sau cùng vẫn là niềm tin vào những giá trị tốt đẹp, nhưng các tác phẩm đã khéo léo lồng ghép tinh thần, bối cảnh của cuộc sống hiện đại khiến khán giả không có cảm giác đang xem những vở diễn viết cách đây 25 năm mà thay vào đó là những sự việc, con người này vẫn đang hiện hữu, len lỏi trong cuộc sống ngày nay.

Đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành, người đã dàn dựng 24 tác phẩm của Lưu Quang Vũ những năm 70, 80 thế kỷ trước nhận xét: “Tôi cho rằng quá hay khi đưa cái mới vào. Đó là sự sáng tạo của nghệ sĩ ngày hôm nay. Đổi mới màu sắc nghệ thuật, nhưng cốt lõi vẫn đưa được tư tưởng chủ đề, ý, nhân vật của tác phẩm”.

Các tác phẩm dù được viết cách đây hơn 25 năm, nhưng với những gì đã mang đến cho khán giả tại Liên hoan như thể chỉ mới vừa được hoàn thành. Đó là những gì đọng lại trong lòng mỗi khán giả khi đến với Liên hoan./.