Ngày 20/9 tại Hà Nội, diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Đối thoại với đình làng”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ Việt Nam" do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện.

Triển lãm nghệ thuật “Đối thoại với đình làng” đặt vấn đề trực tiếp về di sản đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ. Tiêu đề mở của triển lãm tạo cơ hội để mỗi nghệ sĩ tiếp cận tùy theo các góc độ, cùng suy ngẫm về giá trị của đình làng và vai trò của di sản trong xã hội đương đại.

Bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau như: sắp đặt, nhiếp ảnh, âm thanh và video art, triển lãm đặt ra các câu hỏi mang tính phản biện về các vấn đề liên quan đến di sản đình làng như: sự xuống cấp của di sản, sự cần thiết trong việc bảo vệ các giá trị di sản, hay tôn vinh những nét đẹp của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại. Các tác phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm, cách nhìn, lối nghĩ của người nghệ sĩ ở khía cạnh nhân văn qua đó góp phần tạo những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

dinhlang1.jpg
Tác giả Nguyễn Thế Sơn bên các tác phẩm của mình

Nói về tác phẩm tham gia triển lãm của mình, tác giả Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội cho biết: “Mục tiêu của tôi là ghi lại sự biến đổi của mặt tiền một cái đình. Tôi đã chụp được 71 trong tổng số 74 đình mà tôi biết. Thực tế khi nghiên cứu tôi thấy chỉ còn lại 1/3 trong số những đình này còn nhìn thấy hình đình, còn 2/3 bị biến dạng rất nhiều. Không những bị biến dạng mà còn bị biến mất và bị thay thế bằng nhiều công trình kiến trúc khác”.

Triển lãm mở cửa tự do, kéo dài từ nay đến 4/10 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội)./.