Đã từng có 35 năm làm việc và nghiên cứu về Trung Quốc, trong đó 9 năm công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông Nguyễn Vinh Quang, Vụ trưởng Vụ Trung Quốc – Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung được đánh giá là nhà ngoại giao kỳ cựu và sắc sảo, nhưng hết lòng đam mê văn hóa.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, để tăng cường hiểu biết giữa 2 dân tộc, ngoài việc tăng cường hoạt động ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa trở thành sức mạnh “mềm” vô cùng quan  trọng trong mối quan hệ đó.

vinh-quang1.jpg
Ông Nguyễn Vinh Quang (trái) trả lời phỏng vấn phóng viên VOV 

Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Vinh Quang về những tâm huyết của ông đối với việc tăng cường giao lưu văn hóa Việt-Trung.

PV:Ông đánh giá như thế nào về vai trò của giao lưu văn hóa trong việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân 2 nước Việt - Trung, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?  

Ông Nguyễn Vinh Quang:Tôi là một nhà ngoại giao, nhưng tôi luôn chú ý đến giao lưu văn hóa, đặc biệt là giữa Việt Nam  với Trung Quốc. Giao lưu văn hóa từ xưa tới nay luôn là cầu nối giữa các dân tộc, giữa nhân dân các nước với nhau. Tôi nghĩ rằng tiếng nói của một nhà ngoại giao chưa đủ mạnh bằng tiếng nói của giao lưu văn hóa.

Do vậy, lúc nào tôi cũng coi trọng vai trò của giao lưu văn hóa. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có điều đặc biệt là văn hóa tương thông, tức là văn hóa giữa 2 nước như cùng 1 dòng chảy, người dân hai nước hiểu được nhau thông qua văn hóa. Việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị phải dựa trên cơ sở là hiểu biết và thông cảm lẫn nhau. Và để hiểu biết lẫn nhau thì văn hóa làm tốt hơn ngoại giao.

PV: Với nhận thức như vậy, chắc hẳn ông đã có những việc làm cụ thể để thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa 2 bên?

Ông Nguyễn Vinh Quang:Như tôi đã nói, tôi rất yêu văn hóa, do vậy tôi tìm hiểu khá kỹ về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu 2 nền văn hóa này giao lưu được với nhau thì sẽ đóng góp rất lớn cho quan hệ 2 nước, bởi vậy ngay từ đầu tôi đã nghĩ đến điều này.

Tôi xin nêu một vài ví dụ: năm 1992 tôi được cử sang công tác ở Bắc Kinh, lúc đó 2 nước mới bình thường hóa quan hệ và tôi nhận thấy nhân dân Trung Quốc hiểu rất ít về Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

Tôi đã khảo sát 1 số nhà hát và đơn vị nghệ thuật của Bắc Kinh. Khi tôi hỏi họ về văn hóa Việt Nam, họ trả lời rằng họ không biết nhiều về Việt Nam, ngoại trừ thời kỳ chống Mỹ với một số bộ phim hay và vài cuốn sách.

Tôi nhận thấy muốn phát triển quan hệ song phương, phải thúc đẩy giao lưu văn hóa. Do vậy, tôi đã cùng với Giáo sư Lợi Quốc làm một chương trình mời thính giả Trung Quốc  đi du lịch Việt Nam qua con đường âm nhạc. Cụ thể là mời thính giả Trung Quốc nghe dân ca Việt Nam, từ Chèo đồng bằng Bắc Bộ, dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Vĩnh Phú, đến hò Thanh Hóa, hò Huế, rồi hát tuồng, cải lương Miền Nam và lên Tây Nguyên nghe cồng chiêng.

Chúng tôi đã làm rất công phu và thời lượng phát sóng trên Đài Phát thanh Nhân dân Bắc Kinh là 150 phút chia làm 3 buổi. Tôi không ngờ sau chương trình này, rất nhiều người Trung Quốc đã tìm đến Đại sứ quán hỏi tôi để cám ơn vì đã lâu rồi họ mới được nghe một chương trình về Việt Nam thú vị như vậy. Có thể nói hiệu quả rất tốt.

Tiếp đó, Đài Phát thanh Nhân dân Đại Liên cử người lên Bắc Kinh và đề nghị tôi hợp tác làm chương trình âm nhạc tương tự và tôi cũng đã hợp tác với họ làm việc này. Tôi nghĩ đó là những đóng góp rất nhỏ nhưng rất hiệu quả trong việc tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước thông qua con đường văn hóa.

Một ví dụ nữa là vào ngày mùng 3 Tết năm 2011, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã mời tôi lên phỏng vấn trực tiếp về Tết của Việt Nam và tôi đã giới thiệu về sự giống và khác nhau giữa Tết của 2 nước, đặc biệt là sự khác biệt.

Tôi cũng không ngờ là khán giả Trung Quốc lại thích như vậy. Một người bạn của tôi ở Bộ Văn hóa Trung Quốc sau đó cho biết ông đã gọi điện ngay cho người em trai ở Thượng Hải để xem chương trình trên kênh CCTV 13. Sau này tôi cũng dịch rất nhiều kịch Việt Nam cho phía Trung Quốc và kịch Trung Quốc cho phía Việt Nam. Một số vở kịch hiện tôi vẫn đang làm.

PV:Phải chăng đó chính là những dự định trong tương lai của ông để tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước khi ông giữ trọng trách là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung?

Ông Nguyễn Vinh Quang:Bây giờ tôi có lợi thế là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung, do vậy làm công tác giao lưu văn hóa thuận lợi hơn so với ngoại giao. Trong thời gian công tác ở Hội tôi sẽ cố gắng thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, không chỉ giữa Hội hữu nghị hai nước, mà còn giữa các tổ chức quần chúng hai bên.

Tôi cũng đang có ý định làm 1 bộ phim truyện hoặc 1 vở kịch về câu chuyện tình đẹp của Lưỡng Quốc Tướng Quân Nguyễn Sơn với người vợ Trung Quốc mới mất năm nay. Tôi nghĩ cách làm này sẽ có sức hấp dẫn hơn các tài liệu tuyên truyền, bởi người Trung Quốc rất thích xem phim truyền hình hay kịch. Một số nhà biên kịch Trung Quốc mà tôi quen biết cũng rất thích thú với ý tưởng này.

PV: Ông có suy nghĩ như thế nào về việc Trung tâm văn hóa tại mỗi nước sẽ được thành lập?

Ông Nguyễn Vinh Quang:Trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây, hai bên đã đạt được thỏa thuận xây Trung tâm văn hóa tại mỗi nước. Đây là tin vui đối với những người quan tâm văn hóa như tôi. Từ trước đến nay chúng ta đã làm khá tốt, song nếu bây giờ có Trung tâm văn hóa thì đó là sự cung cấp phần “cứng” cho việc thúc đẩy giao lưu văn hóa bằng nhà cửa, vật chất, người quản lý và các chương trình hoạt động cụ thể hàng năm. Còn phần “mềm” như tôi đã nói, chính là văn hóa tương thông.

Tôi sẽ cố gắng trong khả năng có thể để giúp Trung tâm hoạt động hiệu quả vì tôi tự thấy mình có điều kiện hơn những người khác trong việc này.

PV: Xin cảm ơn ông và xin chúc những dự định của ông sớm trở thành hiện thực./.