Những năm qua, Trung ương và tỉnh đã chi hàng ngàn tỷ đồng để quy hoạch tổng thể, bảo tồn giá trị văn hóa- lịch sử của những di tích này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay, không ít di tích đã và đang xuống cấp, hư hại... Việc trùng tu bảo tồn đồng loạt các di tích này luôn là một thách thức lớn.
Tồn tại gần 1,5 thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại trên mảnh đất xứ Huế một khối lượng di sản kiến trúc “khổng lồ” bao gồm: hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Thế nhưng, đến nay qua hơn 21 năm được công nhận là di sản thế giới nhiều di tích ở quần thể di tích Huế đang đối diện với sự đổ nát xuống cấp, trầm trọng.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An người dành trọn cả đời để nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, việc trùng tu trong thời gian qua mới chỉ tập trung ở một số công trình trọng điểm: “Với quần thể di tích Huế này, phá hoại nhanh nhất là bão lũ và thứ hai là mối mọt. Mối mọt nó tấn công rất nhanh, đó là những điều mà chúng ta cần phải để ý nhất là trong mùa mưa bão.”
Năm 1993, khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, di tích Huế vẫn còn hoang tàn đổ nát. Tuy nhiên, với sự quan tâm nỗ lực trùng tu, chỉ 10 năm sau di tích Huế được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Vậy mà, theo thống kê, hiện vẫn còn khoảng 400 trong tổng số hơn 530 di tích chưa được trùng tu. Ngoài ra, hầu hết các di tích bằng gỗ từng được trùng tu trước đây, nay đã đến chu kỳ xoay vòng. Đây là thách thức thức lớn đặt ra với các nhà quản lý khi nguồn vốn trùng tu di tích vẫn đang còn hạn hẹp.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Nhiều công trình đang cần phải trùng tu khẩn cấp nhưng nguồn vốn hàng năm dưới 90 tỷ đồng như hiện nay để quản lý một số lượng lớn như thế là hết sức khó khăn.”
Mới đây tại hội thảo về kiến trúc gỗ truyền thống tại Huế, các chuyên gia về bảo tồn đã cảnh báo: khu di sản Huế đang đứng trước nhiều mối đe dọa, cần phải gấp rút xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn cho khu di sản Huế một cách toàn vẹn cả di tích lẫn cảnh quan. Nếu không thiết lập được các cơ chế và điều chỉnh trong kế hoạch quản lý bảo tồn tổng thể, sẽ làm giảm giá trị của di sản Huế.
Kiến trúc sư Phùng Phu cho rằng: Tại khu di sản Huế, nhà Nguyễn đã để lại một hệ thống kiến trúc gỗ đặc sắc tiêu biểu của thiết chế kiến trúc cung đình, vì vậy cần tính đến nguồn nguyên liệu gỗ để phục vục cho việc trùng tu lâu dài.
Kiến trúc sư Phùng Phu cho biết: “Từ lúc khởi điểm xây dựng kinh đô Huế thì gỗ tốt hơn rất nhiều, chất lượng hơn nhiều và gỗ ngày hôm nay rất là quý hiếm. Cho nên phải có một chiến lược bảo tồn, phải có một rừng đặc dụng để tạo nên những nguồn nguyên liệu cho di tích. Chứ hiện nay nhiều loại chất liệu gỗ chưa được xử lý tốt đưa vào di tích là một tổn thất rất nặng nề.”
Trong những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên dành cơ chế đặc biệt cho khu di sản Huế với nguồn hỗ trợ 800 tỷ để trùng tu di tích từ năm 2013 đến 2020 cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Trước thực trạng nhiều công trình di tích đang xuống cấp, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lựa chọn, ưu tiên trùng tu những công trình quan trọng và cấp thiết nhất; đồng thời huy động sự góp sức của cộng đồng tham gia góp phần bảo vệ các di tích trường tồn theo thời gian./.