Tối 21/9, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình gala tổng kết “Tôi chèo về quê hương 2016” đã diễn ra. Đây là chương trình ý nghĩa của dự án Chèo 48h do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức, dưới sự bảo trợ từ Nhà hát Chèo Việt Nam và Quỹ Văn hóa Hà Nội. Chương trình được tổ chức nhằm mục đích đem nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Đại diện các đơn vị tổ chức, đồng hành cùng Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương 2016. |
Chương trình đã công diễn 6 tiết mục ở 3 bộ môn nghệ thuât: Chèo, Hát xẩm, Chầu văn với các trích đoạn đặc sắc như: Hát xẩm “Bắc Kỳ vui nhất Hà thành”, “Lửng lơ con cá vàng”, “Còn duyên chớ có làm cao”, Chèo “Vu Quy”, “Đò đưa” và hai giá hầu đồng “Chúa Thác Bờ” và “Cô Bé thượng ngàn”.
Các tiết mục đều do các học viên, phần lớn là sinh viên không chuyên biểu diễn dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Trải qua 15 buổi học, các học viên – những người ngay từ đầu đã có hứng thú với nghệ thuật truyền thống, nay lại càng say mê và gắn bó.
Trích đoạn chèo: Vu Quy. |
Bằng tình yêu với văn hóa dân gian, các bạn sinh viên đã đem đến một không gian nghệ thuật truyền thống trên một sân khấu hiện đại. Các bạn đã tiếp lửa cho nghệ thuật dân tộc, bảo tồn và phát huy di sản tinh thần cha ông để lại theo cách riêng của thế hệ trẻ.
Bạn Hoàng Văn Thảo bày tỏ niềm vui về khóa học: “Khi đến với lớp học của Chèo 48h, tôi nhận ra các anh chị ở đây đều có chung một niềm đam mê hát Xẩm với mình. Các anh chị và thầy cô đều rất nhiệt tình chỉ bảo”.
Các bạn trẻ biểu diễn hát xẩm. |
Dù là những tiết mục biểu diễn của các “nghệ sĩ” nghiệp dư, thế nhưng, chương trình đón nhận được đông đảo sự quan tâm. Theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, bác Vũ Kim Thanh chia sẻ: “Sau đêm diễn, tôi cảm thấy rất vui bởi lẽ thế hệ trẻ đã bắt đầu đam mê nghệ thuật cổ truyền của cha ông để lại. Hơn thế nữa, chỉ với 15 buổi, nhưng các bạn đã có thể biểu diễn trên sân khấu tương đối tốt. Tôi bày tỏ niềm cảm phục tới các bạn trẻ ngày hôm nay”.
Trưởng ban tổ chức Gala Chèo 48h, bạn Đinh Thị Thảo cho biết: “Bản thân các bạn học viên đều là những người chưa từng được đào tạo về các bộ môn nghệ thuật này. Vì vậy khi gặp môt vai diễn khó, có những bạn đã bật khóc ngay trên lớp học. Đó có lẽ là tình yêu và sự kỳ vọng của các bạn vào bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhưng bằng sự quyết tâm, các học viên của mùa thứ 3 đã ghi dấu bằng một đêm diễn thành công”.
Bạn Đinh Thị Thảo cũng chia sẻ trong thời gian tiếp theo, dự án hy vọng sẽ có thể mở rộng hơn nữa chương trình trong học đường, đến gần hơn tới học sinh, sinh viên, để mỗi bạn trẻ lại có thêm trong hành trang tương lai của mình sự hiểu biết và niềm đam mê nghệ thuật dân tộc.
Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” và Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững, là một dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh đem nghệ thuật dân gian đến gần hơn với giới trẻ thông qua những hình thức tương tác mới lạ, phù hợp với thời buổi hiện đại ./.