Tại tỉnh Sóc Trăng, lễ hội luôn thu hút hàng chục ghe ngo và hàng chục ngàn người trong tỉnh và ngoài địa phương về tham dự. Và khi lễ hội đang đến gần, các chùa lại sửa chữa, sơn phết, đóng mới chiếc ngo và tập hợp thanh niên trai tráng trong bổn sóc cùng tập luyện chuẩn bị lễ hội, làm không khí tại các chùa thêm rộn ràng, vui tươi và náo nhiệt.
Có mặt tại chùa Pnô Kanh Chơ Thmây, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, không khí cho buổi tập chuẩn bị cho lễ hội đua ghe Ngo năm nay thật đặc biệt và chu đáo. Bởi đây là lần đầu tiên ngôi chùa có chiếc ghe ngo để tham dự lễ hội. Rất đông đảo phật tử, từ người già đến trẻ em đều tề tựu về ngôi chùa để xem vận động viên tập luyện. Còn các vận động viên, thể hiện rõ sự phấn khởi, quyết tâm khi lần đầu tiên đại diện cho ngôi chùa tham gia lễ hội lớn của dân tộc mình.
Anh Dương Quốc Tý, vận động viên chùa Pnô Kanh Chơ Thmây, chia sẻ: "Sáng mình sắp xếp công chuyện gia đình xong xuôi, tới chiều khoảng 4 giờ đến 4 giờ rưỡi thì mình tập trung ở chùa để tập luyện. Đã 45 năm rồi chùa mình mới có ghe ngo mới, mình cảm thấy rất vui, rất hào hứng để tập luyện. Lúc chưa có mình cũng đi bơi cho chùa khác, giờ chùa mình có thì mình rất vui và quyết tâm".
Trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo giữ vai trò, vị trí quan trọng về mặt tâm linh, là tài sản quý giá và thiêng liêng, là bộ mặt của một ngôi chùa và bổn sóc. Vì vậy mỗi khi tới lễ hội, sư sãi, ban quản trị chùa và bà con phật tử rất hào hứng tham gia. Năm nay, chùa Pnô Kanh Chơ Thmây được địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng, cùng kinh phí vận động từ bà con phật tử trong bổn sóc, chùa đóng được ghe ngo mới để tham gia lễ hội. Niềm vui của bà con phật tử và vận động viên thể hiện bằng sự đoàn kết và có đến gần 2 tháng tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội.
Ông Sơn Kiên, Ban Quản trị chùa Pnô Kanh Chơ Thmây, cho biết: Ban đầu mình nghĩ chùa không thể tập hợp lực lượng vận động viên đông vậy đâu, vì là năm đầu tiên, nhưng hiện nay đã lên tới 100 vận động viên rồi. Thấy bà con mình rất phấn khởi và động viên, chồng con đến tham gia để cùng chùa tham gia lễ hội được sung túc và sôi động hơn.
Lễ hội đua ghe Ngo đồng bào Khmer rất sôi nổi và náo nhiệt, được bà con dân tộc mong đợi nhất. Ghe ngo của đồng bào Khmer có chiều dài khoảng 30m và có từ 55-60 tay bơi. Mũi và lái của ghe ngo đều cong, trên chiếc ghe ngo được trang trí hoa văn rất sặc sỡ. Tại Sóc Trăng, hàng năm, thu hút hàng chục ghe ngo cùng hàng chục ngàn người về tham dự lễ hội.
Nếu có đến các chùa Khmer những ngày này, nhất là lúc chiều tối, sẽ dễ bắt gặp những tiếng còi, tiếng cổ vũ, cùng nhịp bơi đều đặn kéo nước cuồn cuộn của các vận động viên tập bơi đua. Đồng bào Khmer chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Sau một ngày lao động, chiều về, bà con tạm gác lại chuyện đồng án, gia đình để cùng tụ tập về chùa tập đua ghe Ngo.
Thượng tọa Lý Đen, trụ trì chùa Chroy Tum Chắs, thành phố Sóc Trăng cho biết: Đua ghe ngo là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, đã có từ lâu đời. Đến mùa lễ hội các chùa lại chuẩn bị lực lượng vận động viên, sửa chữa ghe ngo, cũng có chùa đóng chiếc ghe ngo mới để tham gia lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo được vui tươi nhất.
Oóc om bóc – đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống, mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của bà con Khmer. Trước ngày hội đua ghe ngo, các chùa phải chuẩn bị cách đó cả tháng để tuyển chọn các tay chèo khỏe mạnh, dẻo dai tập dợt. Những năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương, đưa lễ hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer không ngừng phát triển, quy mô lớn, góp phần duy trì và bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng đất này./.