Hàng năm, cứ mỗi dịp Trung thu về, gia đình ông Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội lại bận rộn với công việc làm đèn kéo quân. Những chiếc đèn kéo quân với đủ mọi kích thước, màu sắc được bày khắp sân nhà, phòng khách.
Ông Quyền bắt đầu làm đèn kéo quân từ đầu tháng 6 âm lịch. Dù đã gắn bó với công việc làm đèn kể từ khi còn nhỏ, nhưng với ông Quyền, đây không phải là một nghề mà chỉ là thú đam mê. 
Để hoàn thiện được một chiếc đèn kéo quân phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Vót tre, dựng khung, cắt dán giấy trang trí…

Theo ông Quyền, dựng khung là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo. Đèn có 6 cạnh, các cạnh phải ở phương vuông góc với 2 đế. 
Những hình ảnh thường sử dụng làm quân đèn là cây đa, chú Cuội, chị Hằng, chăn trâu thả diều, đám cưới chuột, hứng dừa... mang đậm màu sắc dân gian.
Quân trang trí được gắn vào cánh quạt và trục tán đèn. Khi
cánh quạt có độ vênh đều, lắp ở phương thẳng đứng, trục cân, nhờ luồng khí đối lưu, chiếc tán đèn bên trong quay tròn kéo theo các quân trang trí cũng quay theo.
Vợ ông Quyền đang giúp chồng công việc bọc giấy bao quanh thân đèn.
Khi xưa, người ta thường dùng giấy dó, nhưng đến nay, phần thân đèn kéo quân được bao quanh bởi lớp giấy mờ. Khi quân đèn quay nhờ ánh nến, bóng của chúng chiếu lên thân đèn vô cùng sinh động.
Ông Quyền còn dạy cho trẻ em trong làng tự làm đèn kéo quân chơi Trung thu. Ông mong muốn
 

lớp người trẻ có đam mê như mình để giữ gìn những nét văn hóa cha ông để lại.

Các em nhỏ rất thích thú khi được sang học ông Quyền cách làm đèn kéo quân.
Mùa Trung thu, ông Quyền làm được khoảng vài trăm chiếc đèn kéo quân với đủ loại kích thước. Một chiếc đèn nhỏ như thế này có giá khoảng 100.000 đồng.
Ngày nay, đèn kéo quân được cải tiến thắp sáng bằng pin, và người ta cũng dùng một mô tơ nhỏ để giúp cho đèn quay được. Tuy nhiên, ông Quyền vẫn làm đèn theo cách truyền thống, thắp sáng bằng nến.
Những quân đèn như những thước phim sống động, đèn kéo quân là món đồ chơi truyền thống đầy ý nghĩa cho trẻ em chơi mỗi dịp Trung thu.