Việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề không chỉ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc.
Trong số hơn 1350 làng nghề ở Hà Nội hiện nay có những làng nghề đã xây dựng được thương hiệu nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, làng nghề tạc tượng Sơn Đồng...
Những làng nghề này đã tạo dựng được một hình ảnh đầy bản sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Chính vì vậy, phát triển du lịch làng nghề, thông qua đó để xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Làng nghề truyền thống luôn là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm đặc thù của mỗi một dân tộc thường thể hiện tài năng của các làng nghề cho nên việc phát huy giá trị của các làng nghề để phục vụ cho mục đích phát triển du lịch là điều quan trọng. Ở Việt Nam chúng ta có hàng nghìn làng nghề, riêng Hà Hội đã có hơn 1.300 làng nghề và có nghề, đó là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.”
Làng nghề làm đèn kéo quân ở Cao Viên - Hà Nội. (ảnh: Lê Bích) |
Mặc dù nhiều về số lượng, phong phú về loại hình sản xuất, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa xây dựng được một sản phẩm đồ lưu niệm đặc trưng của du lịch làng nghề. Một số làng nghề có thương hiệu hàng trăm năm như: gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái… cũng mới chỉ quan tâm đến thị trường xuất khẩu nước ngoài, còn tạo sản phẩm thu hút khách du lịch đến với làng nghề vẫn chưa được quan tâm, đầu tư.
Anh Nguyễn Duy Thắng, ở làng nghề tạc tượng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức chia sẻ: “Đối với sản phẩm của các làng nghề cần thay đổi mẫu mã thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhưng tất cả những người làm ra mẫu toàn là các nghệ nhân dân gian nên mẫu mã vẫn còn hạn chế.”
“Mẫu mã cứ lặp đi lặp lại, có một cái khay nhưng 20 năm vẫn sản xuất 1 mã hàng đó, chưa thay đổi, có thêm thì thêm một cái quai vồng hoặc khoét để tạo tay cầm. Nhiều năm vẫn đi theo một lối mòn cũ ấy.”
Việc phát triển du lịch làng nghề cũng như tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam đang được Nhà nước và thành phố Hà Nội quan tâm. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải bài toán đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tập trung đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nghiệp vụ, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục truyền, dạy nghề, tham gia quảng bá sản phẩm, trình diễn khả năng tay nghề, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế….
Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Nghệ nhân, thợ giỏi Hà Nội cho biết: “Muốn làm du lịch phải kết hợp rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là hạ tầng cơ sở, môi trường trong sạch, trong lành, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, kể cả giao thông quốc tế, giao thông trong nội đô và giao thông của các làng nghề.”
“Ngoài ra, vấn đề cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường nước ngoài cũng cần được cung cấp đầy đủ để các nghệ nhân làm ra được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.”
Sản phẩm của các làng nghề, phố nghề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng làm thế nào để sản phẩm làng nghề tạo ra dấu ấn riêng, khẳng định thương hiệu thì cần có sự chung tay của hiệp hội làng nghề và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, việc quan tâm, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch, sắp xếp hợp lý làng nghề, xây dựng phòng trưng bày sản phẩm làng nghề cũng là một trong những giải pháp để giới thiệu với khách tham quan./.