Cùng trong loạt bài: >>Châu bản triều Nguyễn về vụ cứu nạn tàu buôn Pháp ở Hoàng Sa>>Chủ quyền Hoàng Sa: Những bằng chứng lịch sử xác thựcKho tàng Châu bản triều Nguyễn đang nằm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là một trong những khối tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm. Đó là tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn từ trung ương đến địa phương soạn thảo, dâng tấu lên nhà vua, và qua đó, nhà vua “ngự lãm”, hay “ngự phê” bằng mực màu son để truyền đạt ý chỉ.
Đây là một loại tài liệu đặc biệt quan trọng vì nó mang bút tích của nhà vua, được bảo quản trong các kho lưu trữ của cung đình, nội dung liên quan đến hầu hết các hoạt động triều chính.
Vì thế đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
VTV dẫn lời các chuyên gia sử học cho rằng Châu bản triều Nguyễn là loại di sản có tính độc đáo và xác thực cao và hồ sơ Châu bản triều Nguyễn có nhiều triển vọng được UNESCO thông qua.
Không chỉ đáp ứng được những tiêu chí thông thường mà UNESCO yêu cầu đối với một di sản được công nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới, mộc bản triều Nguyễn còn có thể đảm bảo yêu cầu về tiêu chí còn lại mà UNESCO đưa ra: “sự tác động tới khu vực”.
Trước đó, Việt nam đã có ba di sản được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và 82 Văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trong số các châu bản triều Nguyễn được lưu trữ có nhiều châu bản có nội dung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tư liệu này không chỉ là bằng chứng hùng hồn về chủ quyền biển đảo quê hương mà nó còn ghi đậm dấu ấn chính sách của triều đình về vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như ẩn chứa trong đó những câu chuyện thú vị của lịch sử.
Qua nội dung của những tài liệu này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính sách cũng như mối quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đến chủ quyền biển đảo lãnh thổ.
Nhân dịp này mời quí độc giả chiêm ngưỡng một số châu bản triều Nguyễn có nội dung liên quan đến các hoạt động thực thi chủ quyền một cách hoà bình trên quần đảo Hoàng Sa:
Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830) do Nội các tấu trình về việc cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa. Châu bản có châu phê “lãm”. |
Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Bộ Công trình tấu về việc xem thời tiết để xuất phát đi khảo sát Hoàng Sa của hải đội hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. |
Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đên năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo. |
Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi trình báo xin miễn thuế khoá cho thuyền lớn tham gia thực hiện công vụ tại Hoàng Sa. |
Châu bản ngày 28-12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu về việc xin hoãn chuyến đi công vụ Hoàng Sa vì điệu kiện vật chất chưa sẵn sàng cho chuyến đi. Châu phê “đình” |