Đình cổ Quang Húc (thuộc xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội) đã được trùng tu khoảng 3 năm chưa nghiệm thu, hiện đang tồn tại dưới dạng một công trình với những cột kèo vá víu, chi chít những vết “sẹo” chằng chịt. Người dân bức xúc vì đình trùng tu như bị phá, “sờ đâu dột đó, nhìn đâu sai đó”. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng từ lâu không được duy trì vì đình sửa, thánh của họ đã phải đi… “ở nhờ” quá lâu.

Đây là một ngôi đình cổ có nhiều giá trị cả về lịch sử và mỹ thuật được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII và được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tuy vậy, nhìn những hình ảnh vá víu phản cảm trong quá trình trùng tu đình Quang Húc, có lẽ không một ai có thể chấp nhận được việc ứng xử cẩu thả như thế này.

img_0716%20copy.jpg
Hình ảnh kèo cột được nối với nhau bằng những vết vá víu cẩu thả tại đình Quang Húc

Không chỉ cẩu thả trong quá trình trùng tu, những cấu kiện, thành tố cũ của đình Quang Húc tuy vẫn còn sử dụng được, nhưng lại bị thay mới không đảm bảo đúng kích thước của bản gốc, lại còn vô cùng xấu xí.

Trong khi những con nghê cũ vẫn có thể tiếp tục được sử dụng, thì đơn vị trùng tu đã cho làm những con nghê mới không đạt tiêu chuẩn để thay thế. Chúng nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc. Một số chi tiết tạo tác cũng không giống cũ.

Trên mái đình, những con xô, con kìm bằng đất nung biến mất, thay vào đó là những hiện vật mới bằng xi măng.

Đặc biệt, xà của khám thờ cũ với những hoa văn tinh tế bị vứt lỏng chỏng. Một xà mới đã thế chỗ của nó. Còn bức y môn bị sơn công nghiệp đỏ chói. Ông Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL cho rằng chạm rồng trên bức xà khám mới cẩu thả, rồng nhìn như quái thú, gian tà, các đường nét hoa văn thì rời rạc, gai góc. Không thể hình dung ra nó được chạm theo phong cách nghệ thuật của thời nào./.Chùm ảnh VOV online ghi lại ở đình cổ Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội):

Đầu cột, vị trí tiếp giáp của các đầu xà, thanh rường đều bị mở rộng

Nhiều khe hở giữa những mối nối ghép các chi tiết cột, xà
Nhiều cấu kiện chạm khắc bị lắp sai lệch hẳn so với ban đầu, cá biệt có cấu kiện chỉ được lắp gá, không ăn mộng như chực rơi xuống 

Những mối nối cẩu thả được vá víu bằng gỗ thừa. Trong khi những thanh xà ngang đỡ mái không được gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo ra khoảng hở vài centimet

Đơn vị thi công dùng keo vá lại những mối nối không ăn mộng, tạo nên những vết màu loang lổ, xấu xí
Những mấu nối chắp vá, không ăn khớp với nhau giữa cột, xà, mái ngói, tạo nên nhiều khe dột. Người dân dùng phấn đánh dấu hàng chục chỗ bị dột trong đình
Hình ảnh mưa dột xâm hại cột gỗ trong đình được người dân ghi lại hồi đầu tháng 9/2013
Cột mới được làm thẳng từ trên xuống dưới, trái ngược hẳn với “dáng đòng đòng” của cột đình cũ. Trong cấu trúc di tích cổ, cột đình, đặc biệt là đình của khu vực miền Bắc thời Lê Trung Hưng nói chung thường đều rất to lớn cột đình phía dưới bao giờ cũng là phần có dáng “phình ra” to nhất của cột
Không những sai kết cấu, một số cột đình còn xiêu vẹo
Cột đình bị nối chân và vá víu cẩu thả

Phần mái đình, những cấu kiện cũ bị sắp xếp lung tung, không đồng nhất

Một đầu rồng bị thiếu

Một đầu rồng khác được chằng hờ bằng dây thép

Cặp nghê cổ suýt nữa bị đơn vị thi công vứt bỏ... (Ảnh: Hoài Nam)

...để thay thế bằng cặp nghê mới có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với bản gốc. Một số chi tiết tạo tác cũng không giống cũ

Xà khám thờ cũ với những hoa văn họa tiết tinh tế, đậm chất dân gian vẫn tái sử dụng được hiện đang bị bỏ lại dưới gầm khám thờ

Đơn vị thi công thay thế bằng xà khám thờ chạm trổ hình "quái thú", sơn công nghiệp xấu xí. Theo ông Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL, chạm rồng trên bức xà khám mới cẩu thả, rồng nhìn như quái thú, gian tà, các đường nét hoa văn thì rời rạc, gai góc. Không thể hình dung ra nó được chạm theo phong cách nghệ thuật của thời nào

Cũng theo ông Bình, việc dùng lớp sơn công nghiệp phủ lên trên lớp sơn ta trên toàn bộ hệ thống gác lửng (y môn, cửa võng...), vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trùng tu và luật di sản văn hóa
Trên mái đình, những con xô, con kìm làm bằng đất nung biến mất, thay thế bằng hiện vật mới được đắp lại bằng xi măng gắn sành.