Gặp Lê Minh Sơn khi anh đang rất bận với các hoạt động âm nhạc: đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật chương trình “Sóng vọng biển Đông” tại Nhà hát Lớn - Hà Nội vào tối thứ 7 (22/10), đồng thời chuẩn bị cho liveshow “Ôi quê tôi” vào 29/10. Anh xúc động: Cảm xúc về biển đảo luôn thường trực trong tôi…

son-1.jpg
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn hát tặng các chiến sĩ đảo Sinh Tồn trong chuyến đi năm 2010

PV: Biển đảo hiện là đề tài được nhiều nghệ sỹ quan tâm thể hiện trong nhiều tác phẩm, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tối 22/10, chương trình “Sóng vọng biển Đông” - cũng là tên một ca khúc do anh sáng tác sẽ có mặt trong chương trình. Điều gì khiến anh quan tâm đến mảng đề tài này?

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn:Là người Việt Nam, ai cũng yêu biển đảo đất nước mình. Trong một chuyến đi Trường Sa cùng với nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng tôi có ý định tổ chức chương trình nghệ thuật về đề tài này. Lâu nay, cảm xúc về biển đảo luôn thường trực trong tôi, giờ tôi muốn thể hiện nó vào một công việc cụ thể.

Trong chương trình này, tôi cùng nhà sử học Dương Trung Quốc biên tập một chương trình gần 20 bài hát về quê hương đất nước, đặc biệt là những ca khúc hay về biển đảo Việt Nam. Trước khi nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật của chương trình, tôi đã nói với nhà sử học Dương Trung Quốc: Hãy tin tôi, đây là một chương trình nhân văn và có tính nghệ thuật cao. Cho đến hôm nay, khi chạy chương trình, tôi thấy mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp vì có sự ủng hộ của tất cả anh em văn nghệ sỹ.

PV:Khán giả thường nhắc tới Lê Minh Sơn như một nhạc sỹ của dòng nhạc đương đại với những ca khúc mang đậm chất dân gian. Vậy một chương trình nghệ thuật gồm những ca khúc mang đề tài biển đảo sẽ có màu sắc âm nhạc như thế nào khi anh đóng vai trò chỉ đạo nghệ thuật?

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn:Khán giả thường nhắc đến Lê Minh Sơn như một nhạc sỹ chuyên viết về quê hương đất nước, chứ không phải là một người chuyên viết về đề tài tình yêu. Đó là những ca khúc như: “Bên bờ ao nhà mình”, “Ôi quê tôi”, “à í a”… lấy cảm xúc từ dân tộc, đều rất nhân văn. Đây là điểm chung với những ca khúc mang đề tài biển đảo.

Chương trình nghệ thuật này nhắc nhở chúng ta giá trị vốn có của dân tộc. Một quốc gia có hơn 3.200 km bờ biển, chúng ta chịu biết bao sóng gió, không những của thiên nhiên mà kể cả nguy cơ xâm lăng từ biển vào. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, chúng tôi muốn đưa vào chương trình này, những bài hát nói về sự giàu đẹp của quê hương chúng ta, và truyền thống của ông cha chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. (Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng đạo diễn chương trình).

Chương trình nghệ thuật “Sóng vọng biển Đông” có nhiều tác phẩm rất hay như “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý, “Hò biển” của Nguyễn Cường… với từng phần được sắp đặt khá đặc biệt. Trong đó có các ca khúc từ những năm 1940 - 1945 như “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước, “Vượt trùng dương” của Nguyễn Văn Tý, “Lướt sóng ra khơi” của Thái Dương; và có phần bao gồm những ca khúc về Mẹ khá xúc động. Có những tác phẩm do một dàn hợp xướng 60 người hát như "Ca ngợi Tổ quốc" của Hồ Bắc…

Tôi là người có nghề, làm không dưới 10 liveshow, có một ê kip giỏi nên công việc cho chương trình này chạy khá tốt.

PV:Thực hiện một chương trình lớn về đề tài biển đảo gồm những ca khúc chạm đến tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người Việt Nam, anh có kỳ vọng gì?

Nhạc sỹ Lê Minh Sơn:Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, tình yêu quê hương đất nước phải được biểu hiện một cách cụ thể. Mỗi người con của đất nước Việt Nam, ở những vị trí khác nhau, những công việc khác nhau, có cách thể hiện tình yêu Tổ quốc khác nhau. Tôi là người làm nhạc thì chỉ có câu ca và tiếng hát để thể hiện tình yêu đó. Tôi sẽ chọn những bài hát phù hợp nhất với linh hồn của chương trình để có thể chạm đến trái tim người nghe.

PV:Một  liveshow với cái tên… rất cũ là “Ôi quê tôi” sẽ được anh tổ chức ngay sau đó (29/10), Lê Minh Sơn có gì mới để khoe khán giả?

Liveshow gồm những ca khúc xoay quanh chủ đề tình yêu quê hương đất nước, tính nhân văn, tình yêu, tình người sẽ được đẩy lên mạnh nhất trong chương trình và tiết chế tối đa những cái gọi là tình yêu nam nữ.

Âm nhạc, không như văn học hay hội họa khi tác phẩm hoàn thành xong thì có thể để đó… nhìn ngắm. Âm nhạc có đặc tính là phải được vang lên. Khi viết được ra những gì trên giấy mà để đó thì phí lắm, nên tôi làm chương trình như một hoạt động định kỳ.

Trong 10 tháng kể từ sau liveshow “Guitar cho ta” đầu năm 2011, tôi đã viết được nhiều cái mới. Cùng với những cái cũ, tôi muốn cho ra mắt một chương trình định kỳ. Ví dụ, cái mới ở chương trình này là ca khúc “à í a” mà lâu nay khán giả quen nghe Trọng Tấn hát, thì ở chương trình này lại do một tam ca nam thể hiện theo phong cách thính phòng mà tôi nghĩ ca khúc sẽ có sức công phá mạnh. Nhưng đó vẫn là sự chân thành nhất, lãng mạn nhất trong cuộc sống mà Lê Minh Sơn muốn gửi tới khán giả, vì cuộc sống vẫn luôn cần cả bánh mỳ và hoa hồng.

Xin cảm ơn nhạc sỹ!./.

“Sóng vọng biển Đông” là chương trình nghệ thuật đặc biệt nằm trong chương trình kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Chương trình được tổ chức nhằm khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người Việt ở mọi lứa tuổi khác nhau với lịch sử dân tộc. Chương trình bao gồm các ca khúc được dàn dựng theo các chủ đề: Xây dựng đất nước và bảo vệ biển đảo; Vọng phu; Câu chuyện của người mẹ; Một ngày bình thường..., sẽ mang đến một cuộc đối thoại giữa những con người thời bình ở nhiều lứa tuổi khác nhau khi cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng về biển và lịch sử. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ Quang Thọ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Khánh Linh, Tân Nhàn, Anh Thơ...