Bà Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, Trưởng ban Ái hữu nghệ sỹ cho biết: "Tất cả mọi người gặp gỡ với nhau, trước là cúng tổ, sau là kể cho nhau nghe và kể cho tổ nghiệp nghe về những gì ta đã làm được trong năm qua cho sân khấu, vai diễn. Đó là ngày tết của nghệ sỹ, là ngày duy nhất để nghệ sỹ có thể nghỉ xả hơi, cùng về với nhau, vui buồn với nhau".
Nhiều thế hệ nghệ sỹ trong ngày giổ tổ đã tụ hội về đây, tay trong tay, kể chuyện cho nhau nghe về chuyện đời chuyện nghề, chuyện ngày xưa, chuyện hôm nay. Với những thế hệ nghệ sỹ thời trước, đây như là dịp để ôn lại những năm tháng mà sân khấu luôn sáng đèn. Nghệ sỹ Trầm Ngọc Anh, tài tử cải lương Nam Bộ, năm nay đã 80 tuổi chia sẻ: "Ông bà đã bày ra vấn đề gia đình phải có giỗ thì nghề nghiệp cũng có giỗ. Đây là ngày vui nhất là của giới lớn tuổi như chúng tôi. Cho nên bây giờ còn gặp lại bạn bè xưa là điều quí nhất".
Từ năm 2010, ngày 12/8 âm lịch đã được Nhà nước chọn làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây cũng là một sự trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với giới nghệ sỹ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM cũng cố gắng tạo điều kiện để đội ngũ nghệ sỹ có nơi biểu diễn, có cuộc sống ổn định. Hiện, Sở đang cố gắng hoàn thành nhà dưỡng lão nghệ sỹ thành phố còn dở dang để có thể chăm lo tốt hơn cho các thế hệ nghệ sỹ lớn tuổi.
Đến thắp nén hương lên tổ nghiệp và thăm hỏi giới nghệ sỹ, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM nói: "Ngày giỗ truyền thống này là nét văn hóa đẹp thể hiện sự tri ân của bao lớp nghệ sỹ vì nền nghệ thuật của dân tộc. Việc làm này không chỉ là nơi gắn kết của bao lớp nghệ sỹ, cùng nhớ về tổ nghiệp nên tôi thấy không khí này rất ấm cúng"./.