Làm thế nào để bạn trẻ dù nghe đi nghe lại, nghe hàng chục hàng trăm lần vẫn nhớ vẫn yêu để rồi biết trân trọng những tác phẩm âm nhạc quí giá đó? Một phần trách nhiệm thuộc về những ca sĩ trẻ hiện nay. Trong khi nhiều ca sĩ trẻ đi theo dòng nhạc hiphop, rock... hoặc nhạc thị trường, thì có một số ca sĩ trẻ vẫn kiên trì dành sự tâm huyết cho những tác phẩm âm nhạc cách mạng và dân ca trữ tình.

Ca sĩ Trọng Tấn - Giảng viên Học viện Âm nhạc Việt Nam là một người như vậy.

Trong-Tan.jpg

Ca sĩ Trọng Tấn

Giải thưởng đầu tiên dành để... mua xe đạp

P.V:Con đường đến với âm nhạc của Trọng Tấn là sự tình cờ hay là niềm đam mê?

Ca sĩ Trọng Tấn: Thực ra, Tấn đam mê âm nhạc từ rất sớm. Tấn đã tiếp cận với âm nhạc từ lúc còn nhỏ, tự học ghi ta từ lúc mới bắt đầu cấp 2. Nhưng thực ra ban đầu thì âm nhạc không phải là sự lựa chọn chính của Tấn. Đầu tiên Tấn lựa chọn thi kiến trúc, tài chính và đã hướng vào ôn hai trường đó. Nhưng gia đình khi đó rất khó khăn, không đủ điều kiện lo cho Tấn học 4-5 năm học đại học, còn nếu học trung cấp thanh nhạc Hà Nội thì không phải đóng học phí. Đó là động lực rất lớn để Tấn chọn theo con đường âm nhạc. Sau đó Tấn quyết định chỉ thi vào Nhạc viện và đỗ luôn năm đầu tiên.

Nghe một số ca khúc do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện:

Tiếng đàn bầu - Nguyễn Đình Phúc - Lữ Giang

 

Hà Nội linh thiêng hào hoa - TG: Lê Mây

Về quê - TG: Phó Đức Phương

Hà Nội đẹp mãi dáng rồng bay-  Lời thơ: Nguyệt Thanh

P.V:Dường như Trọng Tấn rất có duyên với các giải thưởng âm nhạc. Giải thưởng đầu tiên của Trọng Tấn là “Giọng hát hay Hà Nội” – năm 1995. Đây có phải là viên gạch đầu tiên trên sự nghiệp thành công của anh? Điều đó cũng giúp anh thêm vững tin hơn trên con đường gắn bó với âm nhạc?

Ca sĩ Trọng Tấn:Tháng 9/1995 Trọng Tấn mới vào Nhạc viện. Chân ướt chân ráo, vừa ra học được 3 tháng thì có cuộc thi và tháng 11/1995 đã bắt đầu. Năm đó Trọng Tấn đoạt giải “Giọng hát nam trẻ nhất cuộc thi”- tương đương giải khuyến khích.

Sau này, có gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên (Hội đồng Giám khảo) và nhạc sĩ Bang Phác (Ban tổ chức) nói lại “năm đó lẽ ra trao cho Tấn giải Nhì, nhưng chỉ trao giải Khuyến khích vì sợ nếu trao giải Nhì thì đến năm 1997 không đi thi nữa”.

Đến năm 1997, Trọng Tấn đoạt giải Nhất cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội”. Tiền giải thưởng lúc đó được 1,5 triệu đồng, không lớn nhưng giúp Tấn mua được một cái xe đạp để đi học và đi làm ở Hà Nội. Đó là dấu mốc đầu tiên, nhưng là động lực lớn giúp cho Trọng Tấn rất nhiều.

Anh đã chọn dòng nhạc cách mạng để hát và cống hiến

P.V:Giải thưởng lớn đầu tiên lại là giải trong cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” và bây giờ Trọng Tấn lại đang lập nghiệp ở Hà Nội. Có một cái gì đó gắn bó rất thấn thiết giữa Trọng Tấn và Hà Nội?

Ca sĩ Trọng Tấn:Thực ra, cũng do sắc thái của nghề nghiệp, môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đem lại nhiều thuận lợi cho những người làm nghệ thuật. Đồng thời, Hà Nội là nơi rất tốt cho sự phát triển của âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc chính thống. Sau khi học xong Học viện Âm nhạc quốc gia, việc lựa chọn ở lại Nhạc viện cũng đã “tồn tại” trong Trọng Tấn từ khi học.

Những hoạt động biểu diễn nghệ thuật liên tục đã là tiền đề để Tấn rất thân quen với công chúng của Thủ đô. Và cũng giống như rất nhiều người khác lập nghiệp ở Hà Nội, nơi đây là quê hương thứ hai, Thanh Hóa – Tấn sinh ra giống như người mẹ của mình. Nhưng chúng ta là những con cò đủ lông đủ cánh bay khi khắp nơi kiếm ăn, nhưng không quên cái tổ của mình. Còn mảnh “đất lành chim đậu” đó là Hà Nội.

Đâu cứ phải "thầy già, con hát trẻ"

P.V:Chắc chắn Trọng Tấn khi ra trường đã được nhiều đoàn chào đón, nhưng tại sao Trọng Tấn lại quyết định ở lại Nhạc viện, làm một ông thầy?

Ca sĩ Trọng Tấn:Điều này cũng là một ước mơ khi Tấn còn học. Lúc còn học trong trường Tấn cũng hướng tới chuyện sau này là một giảng viên. Nhưng không nghĩ rằng mình sẽ làm một giảng viên trẻ như vậy.

Tấn trở thành một giảng viên như ngày hôm nay cũng là cái duyên và nhờ sự nâng đỡ, tin tưởng của nhiều người. Khi đó, 2 năm cuối cùng trong trường của Tấn được thấy Trung Kiên dẫn dắt. NSND Trung Kiên đã muốn hướng Tấn trở thành một người thầy trong tương lai. Sau đó, nhà trường cũng rất ủng hộ việc Tấn trở thành giảng viên và cô Trần Thu Hà lúc đó là Giám đốc Nhạc viện cũng đề xuất giữ lại.

Qua việc giảng dạy đã giúp cho Tấn có thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn.

Anh luôn trao đổi với các học trò của mình như những người bạn

P.V:Điều mà Trọng Tấn thường xuyên chia sẻ với học trò của mình là gì?

Ca sĩ Trọng Tấn: Ngoài dạy kỹ thuật, kỹ năng hát, biểu diễn, những kinh nghiệm trên sân khấu… Tấn còn trao đổi với học sinh về thẩm mỹ.

Là người nghệ sĩ thì trước tiên phải có thẩm mỹ. Một sinh viên của Học viện Âm nhạc, trước tiên phải có thẩm mỹ thẩm định con đường âm nhạc của mình và xác định con đường âm nhạc của mình. Thẩm mỹ là sự đúc kết từ cuộc sống, từ xem, đọc, hiểu, học hỏi.

Tấn luôn nói các em, phải trau dồi thẩm mỹ cho mình từ việc nghe nhiều tác phẩm hay, học hỏi từ những người thầy, đọc trên các bài báo, những tác phẩm văn học, để mường tượng, suy nghĩ và chắt lọc lại, ghép dần ghép dần để trở thành thẩm mỹ của mình.

Dòng nhạc và công chúng chọn ca sĩ

P.V:Rất nhiều khán giả yêu quí khi anh đi theo và trung thành với dòng nhạc cách mạng. Đây là cách chọn lựa để tồn tại hay là do lòng say mê của Tấn?

Ca sĩ Trọng Tấn: Theo tôi, việc chọn dòng nhạc để theo đuổi là do dòng nhạc đó chọn, công chúng chọn, chứ mình không thể chọn. Cái duyên đến với dòng nhạc chính thống thực ra cũng tự nhiên.

Là sinh viên của Học viện Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội trước đây) thì đều được học kỹ thuật phương tây và đều được học lối hát Pengantô (lối hát đẹp của dòng nhạc chính thống Việt Nam). Lúc đầu mới đi học, các sinh viên không nghĩ được mình sẽ hát cái gì. Nhưng khi hát rồi thì mới thấy những bài hát đó thể hiện đúng với tâm hồn, con người của mình.

P.V:Chúng ta đang có sự hội nhập rất lớn, âm nhạc cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Anh nghĩ gì về nghệ sĩ, ca sĩ trong cơ chế thị trường cũng như sự tồn tại của âm nhạc thị trường?

Ca sĩ Trọng Tấn: Theo tôi, thị trường âm nhạc phải đầy đủ các mảng âm nhạc và nó phải cùng được phát triển thì nền âm nhạc mới có thể phát triển được. Thứ nhất, nền âm nhạc dân gian phải được bảo tồn và phát triển. Thứ hai, âm nhạc bác học (trong đó có âm nhạc chính thống) phải được chú trọng, vì nó là sự tinh túy và thực ra nó là sự cao nhất, “đền thờ “của âm nhạc, từ đó sinh ra nhiều thứ khác.

Kể cả hòa thanh của hiện đại, pop, rock cũng bắt đầu từ cổ điển. Thị trường âm nhạc của chúng ta đang phải trả giá cho sự hội nhập quá nhanh và sâu. Cái đáng lo ngại nhất là giới trẻ, chứ không phải là các tầng lớp khác. Các em đang là học sinh, sinh viên, rất năng động, tiên phong trong mọi cái mới, thích thay đổi.

Điều đó đem lại sự tích cực vì chúng ta có thể nhìn thấy ở thế giới rất nhiều cái mới, hay, nhưng hiphop là văn hóa của người da đen, của đường phố, nhưng nếu đưa lên sân khấu không khéo nhiều người thấy phản cảm.

Đáng lo ngại là âm nhạc của chúng ta bị cùn, có quá nhiều CD, DVD của các nhạc sĩ trẻ trong làng âm nhạc chuyên nghiệp cứ sáng tác với những ngôn từ thông tục của cuộc sống vào ca khúc thì rất tai hại.

Tuy còn khá trẻ nhưng Trọng Tấn đã gặt hái được nhiều thành công

P.V: Phải chăng là sự báo động trong văn hóa của người sáng tác?

Ca sĩ Trọng Tấn: Đúng, chính vì sự dễ dãi của lớp trẻ mà một bộ phận ông bầu, ca sĩ đang phớt lờ điều đó đi và chỉ nghĩ đến lợi nhuận vì rất dễ kéo giới trẻ đến với hình thức bóng bẩy, đẹp trai, xinh gái, những điệu nhảy hỗ trợ, mà quên đi rằng là anh đang hát cái gì.

P.V:Là ca sĩ, là giảng viên, Trọng Tấn có hướng tới là một nhạc sĩ sáng tác?

Ca sĩ Trọng Tấn: Với một ca sĩ, Tấn cũng có viết một, hai bài, ít nhất là có một bài được tôn vinh ở Đài Tiếng Nói Việt Nam – “Hà Nội đẹp mãi dáng rồng bay”, phỏng theo lời thơ của nhà thơ Nguyệt Thanh được giới thiệu trong những tác phẩm mới viết về Hà Nội.

Tấn nghĩ đã làm thì làm cho tốt, khi cảm xúc đến thì tôi cũng sẽ viết, chứ không thường xuyên viết giống như các nhạc sĩ. Các nhạc sĩ luôn có tư duy để viết còn ca sĩ thì không.

PV: Xin cảm ơn Trọng Tấn với cuộc trao đổi này./.