Hai giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng truyền thống và nhạc trữ tình - ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ sẽ có đêm liveshow với tựa đề “Tình ta biển bạc đồng xanh” diễn ra vào ngày 16/10 tới đây tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Trọng Tấn về livesshow này và những dự định âm nhạc tới đây của anh.

PV: Điều gì khiến Trọng Tấn và Anh Thơ quyết định tổ chức đêm liveshow vào ngày 16/10?

Ca sĩ Trọng Tấn: Thực ra, Trọng Tấn đã định tổ chức 1 liveshow riêng cho mình và mời khách mời, tuy nhiên, đó vẫn là cách cũ mà mọi người vẫn làm. Để bắt đầu cho một chuỗi những hoạt động âm nhạc thường xuyên, Trọng Tấn và Anh Thơ đã ngồi lại với nhau và quyết định tổ chức chung. Sự xuất hiện của 2 người trong liveshow đầu tiên sẽ tạo sự hấp dẫn, mức đầu tư cho 1 liveshow cũng sẽ tốt hơn.

Lần này, Tấn và Thơ muốn có một chuỗi hoạt động, không những ở Hà Nội mà còn ở 1 số tỉnh, thành khác. Về mặt nghệ thuật, đương nhiên Tấn và Thơ chủ động phụ trách trực tiếp, tập luyện cùng ban nhạc Thanh Phương.

trongtan1.jpg
Trọng Tấn và Anh Thơ trong buổi họp báo giới thiệu liveshow "Tình ta biển bạc đồng xanh" (Ảnh: Huy Phương)

PV: Chủ đề đêm liveshow là “Tình ta biển bạc đồng xanh” – ca khúc gắn liền với Trọng Tấn và Anh Thơ. Liệu trong đêm liveshow sẽ có những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của 2 ca sĩ ?

Ca sĩ Trọng Tấn:Có lẽ rất nhiều người đã yêu mến ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” mà Tấn và Thơ song ca. Thật ra, việc đêm liveshow chỉ có Tấn và Thơ, không có ca sĩ khách mời cũng mang 1 ý nghĩa riêng về mặt âm nhạc. Cả hai đều là những người con của xứ Thanh, cùng học Nhạc viện với nhau và có sự hòa hợp về âm nhạc.

Trong đêm liveshow này, Tấn và Thơ sẽ mang đến cho khán giả 12 ca khúc song ca thuộc 2 mảng trữ tình và cách mạng như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Trước ngày hội bắn”… Ngoài ra, mỗi người sẽ đơn ca khoảng 5 tác phẩm. Tấn và Thơ muốn làm mới lại không khí của một số ca khúc bằng những bản phối khí của các nhạc sĩ trong ban nhạc

Với sự sắp xếp về mặt nghệ thuật, diễn biến đêm liveshow sẽ như 1 câu chuyện, MC Chiến Thắng sẽ viết kịch bản xuyên suốt và giới thiệu bằng hình ảnh và âm nhạc. Hy vọng liveshow này sẽ đánh dấu 1 bước khởi đầu cho những hoạt động tới đây của Trọng Tấn.

PV: Thông qua đêm nhạcnày,Trọng Tấn và Anh Thơ muốn gửi gắm điều gì tới những người yêu nhạc nói chung và người hâm mộnói riêng ?

Ca sĩ Trọng Tấn:Cả Tấn và Thơ đều có chung đam mê với dòng nhạc trữ tình – cách mạng, đều mong muốn được cống hiến cho công chúng nhiều đêm nhạc, nhiều tác phẩm hay. Tấn nghĩ sẽ phải có sự đầu tư hơn cho âm nhạc, để nghệ sĩ thực sự được làm nghề. Chính điều đó mới mang lại cảm xúc cho công chúng. Mỗi 1 năm, Tấn sẽ cố gắng tổ chức từ 1 đến 2 liveshow có chất lượng.

Trọng Tấn biểu diễn trong hòa nhạc "Điều còn mãi" ngày 2/9/2013 (ảnh: Lê Anh Dũng)

PV:Hiện nay, dòng nhạc thị trường trong và ngoài nước đang chiếm ưu thế, khiến cho những ca khúc trữ tình - cách mạng khó tiếp cận hơn với người nghe nhạc trẻ tuổi. Trọng Tấn nghĩ sao về điều này?

Ca sĩ Trọng Tấn:Đó là chỉ là 1 quan điểm, còn Tấn không nghĩ như vậy. Nếu chỉ dựa vào khối lượng người nghe thì cũng chưa thể khẳng định dòng nào hơn dòng nào. Đồng ý rằng dòng nhạc thị trường có bề nổi hơn, nhưng Tấn nghĩ rằng sức sống của dòng nhạc trữ tình -cách mạng vẫn rất lớn. Số lượng người nghe trẻ tuổi vẫn đón nhận dòng nhạc này. Nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ với Tấn rằng, các em rất yêu thích dòng nhạc này và rất tự hào về 1 chặng đường âm nhạc mà thế hệ đi trước đã để lại cho chúng ta.

PV: Như Trọng Tấn chia sẻ, mỗi năm anh sẽ cố gắng thực hiện liveshow cho riêng mình. Tuy nhiên, để thực hiện được liveshow không phải là chuyện đơn giản. Trọng Tấn đã có tính toán gì chưa?

Ca sĩ Trọng Tấn:Tấn nghĩ rằng, để đầu tư một chương trình như kiểu đại nhạc hội thì sẽ hơi khó, không thể nào có đủ vốn để liên tục tổ chức được. Ở Việt Nam, làm được một đêm nhạc đông khán giả tới thưởng thức là một điều khó. Tuy nhiên, nếu như mình dồn hết tâm sức và khả năng kinh tế để tổ chức 1 hoặc 2 đêm diễn thì cũng sẽ không có vấn đề gì, đặc biệt là khi tập trung nhiều cho âm nhạc chứ không “làm màu”, chiêu trò…

Với dòng nhạc trữ tình cách mạng thì cần nhất là đầu tư cho âm nhạc: âm thanh ánh sáng tốt, phối khí ăn ý… Nhu cầu thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng vẫn có và rất lớn. Mọi người vẫn đi xem những chương trình hay dù cho giá vé rất cao.

Nghe trò chuyện với ca sĩ Trọng Tấn
PV: Theo Trọng Tấn, cần có những yếu tố gì để có thể đánh giá một liveshow là có chất lượng?

Ca sĩ Trọng Tấn:Thực ra, chất lượng nghệ thuật cuối cùng vẫn phải là sự vang lên của âm nhạc. Quảng bá hình ảnh, truyền thông… được làm dù rất tốt nhưng quan trọng cuối cùng vẫn phải là nghệ thuật sân khấu, nhiệt huyết của nghệ sĩ với những tác phẩm có giá trị với công chúng.

Tất nhiên, ta không thể so sánh giá trị của các dòng nhạc với nhau. Với nghệ sĩ thị trường sẽ có cách đánh giá âm nhạc khác với nghệ sĩ của dòng nhạc trữ tình cách mạng. Quan trọng nhất là khán giả cảm được không khí của đêm nhạc, đó là sự thành công.

PV: Sau khi nghỉ giảng dạy, dự định âm nhạc sắp tới của Trọng Tấn là gì?

Ca sĩ Trọng Tấn:Trọng Tấn cũng đang thực hiện một số dự án CD nhạc trữ tình. Tấn sẽ cover lại 2 bài hát “Tiếng đàn bầu” và “Rặng trâm bầu”. Đây đều là 2 ca khúc hay nên Tấn muốn làm lại và phát hành.

Thời gian tới đây, Tấn cũng có dự định mở một công ty cho riêng mình để hoạt động âm nhạc thực sự chuyên nghiệp. Cũng xin bật mí trước là trong chuỗi hoạt động của mình, Trọng Tấn sẽ kết hợp với Tùng Dương trong 1 hoạt động đầu năm tới. 2 anh em cũng đã có sự thống nhất chắc chắn, hy vọng sẽ có được nhiều màu sắc âm nhạc và sự cống hiến hơn cho khán giả.

PV: Xin cảm ơn ca sĩ Trọng Tấn./.