Năm 2016, làng chài Trung Thanh, xã Tam Thanh thuộc Tam Kì, Quảng Nam được khoác lên mình chiếc áo mới, như một nàng lọ lem bỗng chốc trở thành một thiếu nữ lịch lãm bởi những bức tranh bích họa sống động mọc lên khắp đường làng, ngõ xóm. Tiếp sau đó là làng chài Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Còn tại Hà Nội, ấn tượng nhất về những tác phẩm bích họa phải kể đến những bức tranh trên cầu cạn phố đi bộ Phùng Hưng. Có thể nói đây là những công trình bích họa đang được công chúng chú ý trong thời gian gần đây. Vậy nhưng, tại Hà Nội, những con phố, ngõ, xóm bích họa đang nảy nở như nấm sau mưa, cho thấy những ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan đô thị nói chung.
Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Huy Ánh -thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc cảnh quan đô thị để làm rõ hơn về vấn đề này.
Phố bích hoạ Phùng Hưng. Ảnh: Vũ Toàn. |
PV: Thưa KTS Trần Huy Ánh, ông có những cảm nhận, đánh giá như thế nào về việc tranh bích họa đang xuất hiện ở nhiều con phố, con ngõ Hà Nội bây giờ?
KTS Trần Huy Ánh: Nói tranh bích họạ là gộp chung thôi còn thực chất các bức tranh trên đường phố Hà Nội là không gian nghệ thuật khác nhau. Có những bức tranh nghệ thuật trên tường được đầu tư công phu từ các nghệ sĩ tài năng, có hàm lượng nghệ thuật cao. Có những bức tranh với những nét vội vàng phóng túng song mang lại nhiều cảm xúc cho công chúng… Cũng có những bức tranh bình dân của các nghệ sĩ làng, về mặt tình cảm thì trân trọng nhưng nếu được đầu tư sẽ để lại những ấn tượng tốt hơn.
PV:Xin ông cho biết những ảnh hưởng của tranh bích họa đến đường phố, khung cảnh Hà Nội?
KTS Trần Huy Ánh: Khi một cái đẹp lan toả thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi đi. Những thành phố sẽ bị tha hoá rất nhanh nếu con người thờ ơ với chính nơi chốn của mình và đó mới là cái đáng lo. Song nếu các không gian nghệ thuật dù tinh tế hay vụng dại thì vẫn là cái tích cực, còn hiệu quả nghệ thuật cao hay thấp thì là cả một quá trình.
Ở Hà Nội, hiệu ứng Graffiti là tích cực chứ ko phải tiêu cực. Ở Châu Âu, tranh Graffiti thể hiện sư giận dữ của một bộ phận thanh niên bị lãng quên, họ phản ứng dữ dội với thời cuộc thông qua nét vẽ. Còn ở Hà Nội thì nó hiền lành hơn.
Tất nhiên không phải bức tường nào mình cũng vẽ được. Có những bức tường rêu phong, di sản thì ai vẽ bậy lên cũng rất đáng trách. Song có những bức tường đã quét vôi, chúng ta nên đọc xem thông điệp họ muốn gửi gắm điều gì. Nếu không đẹp thì người ta cũng sẽ dùng vôi để quét đi, song nếu tràn lan các mảng tường Graffiti thì cũng rất nguy hiểm.
Phố bích hoạ Phùng Hưng. Ảnh: Vũ Toàn. |
PV:Thưa ông,phố Bích họa Phùng Hưng-công trình do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ giao lưu văn hóa Hàn Quốc và Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc triển khai. Sự xuất hiện của phố Bích hoạ Phùng Hưng có làm biến dạng “hồn phố cổ” không thưa ông?
KTS Trần Huy Ánh:Phải nói rõ đối với không gian nghệ thuật đương đại Phùng Hưng, các nghệ sĩ không muốn dùng từ bích hoạ, mà muốn dùng từ không gian nghệ thuật hoặc nghệ thuật đương đại. Các tác phẩm ở phố Phùng Hưng đều có giá trị nghệ thuật cao, thậm chí rất cao, có thông điệp, ngôn ngữ thể hiện rất sâu sắc.
Vì là không gian nghệ thuật cho người Hà Nội nên đòi hỏi sự tinh tế, chất lượng nghệ thuật cao. Nếu làm phố cổ thì không được, bởi vậy phải thực hiện ở giữa đường biên, có hiệu ứng về không gian lớn. Lúc đó phố Phùng Hưng có rất nhiều vấn đề, xuống cấp vì vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường, ô tô đỗ tràn lan, hàng quán vỉa hè… Sau khi lựa chọn về vi trí thì phải tìm những con người đủ tài năng, có cái tâm. Các nghệ sĩ đều là những người có lòng tự trọng cao, họ làm vì tình yêu Hà Nội, yêu nghệ thuật, không lấy tiền công… Phố Phùng Hưng mang lại một hình ảnh thành phố yêu cái đẹp, tức là ta đã xây dựng không gian nghệ thuật cho nó rồi.
PV:Vậy còn những tác phẩm tranh tường tại trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng, phố Phan Đình Phùng? Nhiều ý kiến cho rằng, các bức bích họạ không hợp lý với cảnh quan, thiên nhiên bởi vốn dĩ phố Phan Đình Phùng đã rất đẹp rồi?
KTS Trần Huy Ánh: Do thời gian quá ngắn nên cách thể hiện chưa được chỉn chu, nhưng cái cần ghi nhận là tình cảm rất tốt. Tôi nghĩ đó là phông nền đáng yêu cho cả cảnh quan đô thị.
PV:Nhiều người e ngại tốc độ xây dựng ở Hà Nội ào ạt, sẽ không còn không gian cho nghệ thuật cộng đồng, thưa ông?
KTS Trần Huy Ánh: Nghệ thuật cộng đồng tức là không gian tự do, không rào cản dành cho con người, có khi một bến nước, một cây đa, sân đình… cũng là không gian nghệ thuật công cộng. Một điều đáng mừng là ở các đô thị lớn, ở nhiều nơi, người ta đã kiên quyết giành giật bãi đỗ xe ô tô, chỗ bán hàng… thành điểm vui chơi cộng đồng sinh hoạt. Nếu anh gia giảm thêm các hoạt động, trò chơi, các điểm nhấn nghệ thuật… thì đó chính là không gian nghệ thuật cộng đồng.
PV: Người nghệ sĩ thường thích thể hiện cảm xúc ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu không quản lý tốt, liệu Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều triển lãm ngoài trời không, thưa ông?
KTS Trần Huy Ánh:Khi những nghệ sĩ muốn bảy tỏ cảm xúc của mình một cách tràn lan thì cũng rất nguy hiểm, rồi lại phải có người đi quét sơn tường giống như đi bóc quảng cáo.
PV:Xin cảm ơn ông./.
Ảnh: Bức bích họa lớn tôn vinh các anh hùng giải cứu đội bóng Thái Lan
Sinh viên làm đường bích họa trên đảo Lý Sơn