Năm 2003, công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình được khởi công xây dựng do Sở Văn hóa - Thông tin (cũ) làm chủ đầu tư, Tổng công ty xây dựng miền Trung thi công gói thầu số 1, phần công trình nhà chính. Thời điểm hoàn thành theo hợp đồng là tháng 2/2004. Tuy nhiên sau 10 năm xây dựng xong phần vỏ, công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình vẫn đóng cửa im ỉm. Sân bảo tàng đầy rêu phong, cỏ mọc.

Tại sảnh chính của toà nhà, trên tường không treo hiện vật gì, sàn nhà ngổn ngang vật liệu xây dựng. Hiện nay, toà nhà này có dấu hiệu xuống cấp, nhiều viên đá ốp tường ngoài ở mặt chính đã bung, lộ xi măng nham nhở. Bên trong, các chân tường đã bung mục, cả tòa nhà trưng bày tối om.

bao_tang_quang_binh_2_kswn.jpgBảo tàng tỉnh Quảng Bình xây dựng suốt 10 năm chưa xong, vẫn còn ngổn ngang

Ông Nguyễn Mạnh Hậu - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện bảo tàng đang lưu giữ 8.800 hiện vật khối, 14.000 tư liệu ảnh và tư liệu giấy, tư liệu lịch sử, liên quan đến vùng đất Quảng Bình. Trong đó, có nhiều hiện vật quý như con dấu, tiền đồng, cùng nhiều hiện vật về văn hóa của người Việt thuộc nhiều thời kỳ. Là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử đặc biệt, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình đang cất giữ nhiều cổ vật có giá trị. Thế nhưng, các hiện vật quý bị xếp xó từ năm này sang năm khác.

Sau khi xây dựng xong phần vỏ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình được đầu tư gói trưng bày nội thất, nhưng do kinh phí đầu tư “nhỏ giọt” nên tất cả hiện vật vẫn còn bị đóng gói, niêm phong trong kho. “Hiện tại, có 6 kho giữ hiện vật, chưa đưa ra trưng bày được thì thất thoát nhiều, giá trị văn hóa không được quảng bá”, ông Nguyễn Mạnh Hậu nhấn mạnh.

Trên thực tế, 6 kho tại Bào tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình cũng không thể chứa hết các hiện vật. Nhiều hiện vật bày la liệt ở hành lang, dưới sàn nhà và gầm cầu thang. Các hiện vật lớn như những khẩu súng thần công thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, cột đình Đồng Hải, các tấm bia đá...đành chịu phơi mình dưới nắng mưa.

Bảo tàng đóng cửa "im ỉm" suốt nhiều năm qua dù là nơi lưu giữ các hiện vật quý

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Vừa qua, gói thầu đã giao cho Sở VHTT&DL đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Riêng gói trưng bày là 17 tỷ đồng rót dần trong vòng nhiều năm. Năm vừa rồi đã rót 5 tỷ đồng, năm nay sẽ rót tiếp tục bố trí dần. Thực ra kinh phí của tỉnh không có nhiều để làm được trong cùng một lúc”.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương thiếu các công trình văn hóa, thể thao. Bên cạnh Bảo tàng Tổng hợp tỉnh xây dựng 10 năm chưa xong, thư viện tỉnh cũng đã xây dựng 5 năm vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, SVĐ tỉnh thì bị “xé nhỏ” cho thuê làm SVĐ mini cỏ nhân tạo, gây ra nhiều bức xúc.

Từ tháng 5/2013, Trung tâm Huấn luyện Thể dục - Thể thao tỉnh Quảng Bình ký hợp đồng cho Công ty King Thể thao - Quảng Bình thuê 2 đầu SVĐ Quảng Bình để làm sân bóng đá mini. Ngay sau khi ký hợp đồng, công ty triển khai dựng 6 cột thép sừng sững trên mặt cỏ SVĐ. Lớp cỏ của mặt sân bị đào bới, thay vào đó là lớp sỏi làm nền mới cho các sân bóng đá mini. Việc “xẻ” SVĐ tỉnh cho thuê gần như xóa bỏ một địa điểm có đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn. Mặt khác, các đội bóng phong trào và nhiều hoạt động thể thao khác cũng gặp trở ngại.

Ông Lê Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình xác nhận, Sở đã đồng ý cho Trung tâm Huấn luyện Thể dục - Thể thao ký hợp đồng cho thuê SVĐ để xây dựng 2 sân bóng đá mini trong thời hạn 5 năm.  Ông Xuân cho biết, hợp đồng lúc đầu ký với mức giá cho thuê 2 triệu đồng/tháng, nhưng đã yêu cầu điều chỉnh lại hợp đồng lên 3 triệu đồng/tháng. Dư luận đặt câu hỏi, mức cho thuê thấp như vậy có đáng để ngành thể thao tỉnh Quảng Bình “xẻ” sân vận động, xóa sổ điểm vui chơi, rèn luyện thể thao của người dân, giao cho tư nhân kinh doanh kiếm tiền?

SVĐ không được sử dụng một cách hiệu quả, chủ yếu để phục vụ cho mục đích kinh doanh tư nhân

Thậm chí, rạp chiếu bóng không có, Trung tâm văn hóa bị hỏa hoạn thiêu rụi vẫn chưa xây dựng lại được. Nói về nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Do tỉnh nghèo, mà những phần này chủ yếu xây dựng từ ngân sách của tỉnh nên kinh phí để đầu tư không được nhiều, không được tập trung và dàn trải. Với một tỉnh như Quảng Bình, kinh tế chưa phát triển nhưng việc đầu tư các thiết chế văn hóa đã được quan tâm. Tuy nhiên, nếu như có một chiến lược đầu tư tập trung dứt khoát và đồng bộ thì các thiết chế văn hóa này sẽ hiệu quả cao hơn”.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch Đầu tư, tổ chức ở thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, chủ động lựa chọn những dự án quan trọng ưu tiên để đưa vào kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hy vọng, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Bình sẽ quan tâm đầu tư cho các công trình văn hóa trọng điểm ở địa phương./.