Bảo tàng Động đất Kobe

Tái hiện sự thảm khốc của thiên tai

Đến thăm bảo tàng Động đất Kobe, chúng tôi mới hiểu được những nỗi đau mà người dân Nhật Bản phải gánh chịu trong và sau những trận động đất, sóng thần.

Toàn cảnh trận động đất ngày 17/1/1995 được tái hiện lại một cách sinh động, không chỉ bằng hiện vật, bằng hình ảnh, mà bằng chính những ngôi nhà đổ nát được đưa đến trưng bày trong bảo tàng hay tiếng còi ủ báo động kéo vang từng hồi trong đêm. Trận động đất 7,2 độ richter này khiến hơn 6.400 người chết, hơn 300.000 người mất nhà cửa, 200.000 ngôi nhà sụp đổ, nhiều kho cảng cơ sở hạ tầng ở thành phố Kobe bị phá hủy hoàn toàn, nhiều phần của đường cao tốc Hanshin bị đổ sụp.

Bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh về thảm họa kép động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở vùng Sendai và Fukushima năm 2011: những bóng đèn lắc lư, những tòa nhà cao tầng đổ ụp, lửa cháy khắp nơi, những toa tàu đứt gãy, các đường cao tốc nứt toác làm hai mảnh…

bao%20tang%20dong%20dat%202.jpg
Những hình ảnh trưng bày trong bảo tàng

Judia Tarimo, một phóng viên của báo Người Bảo vệ (Tanzania) đến thăm bảo tàng Động đất Kobe cho biết anh thấy trận động đất năm 1995 thật kinh hoàng và không thể tưởng tượng được hậu quả khủng khiếp của nó.

Sherry Yao, một nhà báo người Philipines không ngừng xuýt xoa khi xem lại những hình ảnh trong phòng chiếu ở Bảo tàng động đất Kobe. Có lẽ không chỉ Judica Tarimo hay Sherry Yao, mà bất kỳ du khách nào khi đến thăm bảo tàng này cũng sẽ có chung cảm nhận như vậy.

Ông Nakamura, một hướng dẫn viên bảo tàng Động đất Kobe năm nay đã 78 tuổi cho biết ông quyết định trở thành hướng dẫn viên của bảo tàng Động đất Kobe để giúp mọi người hiểu được sự thảm khốc của thảm họa thiên tai. “Bảo tàng này sẽ giúp các bạn hình dung lại được toàn bộ câu chuyện về thảm họa. Những tấm bưu ảnh này là một ví dụ. Nó được chụp ngay sau khi thảm họa xảy ra, sau khi trận động đất phá hủy hoàn toàn thành phố. Thật kinh hoàng. Tất cả hệ thống nhà cửa, cầu đường đã bị  sụp đổ. Mọi người đưa nhau đi sơ tán. Đến đâu cũng thấy gạch đá rơi, thật nguy hiểm” - ông Nakamura kể lại.

Ông Nakamura, hướng dẫn viên của bảo tàng

Không chỉ trưng bày hiện vật và những ký ức về thảm họa, bảo tàng Động đất Kobe còn giới thiệu về những nỗ lực tái thiết và ý chí của người dân Nhật Bản. Đó là những viên gạch đầu tiên để tái thiết Kobe sau động đất, những ngôi nhà mới được xây dựng và cả những thước phim ghi lại cuộc sống thường nhật ở thành phố. Đó còn là những nụ cười tự tin của người dân Nhật Bản và cả những giọt nước mắt và mồ hôi khi chính tay họ vất vả dựng lại ngôi nhà của mình…

Học lịch sử từ thảm hoạ

Những tư liệu quý này một phần để lưu giữ những ký ức đau thương mà người dân thành phố Kobe từng phải gánh chịu năm 1995, nhưng một phần cũng là để giúp thế hệ trẻ của Nhật Bản hiểu được những gì mà thế hệ cha ông họ đã phải trải qua khi thảm họa ập xuống trong quá khứ.

Hôm chúng tôi tới thăm, bảo tàng Động đất Kobe đón rất đông các em học sinh. Chị Masuda, điều phối viên của cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản Jica cho biết đây là cảnh thường gặp ở Nhật Bản, vì giáo dục bằng thực tế sẽ giúp các em học sinh hiểu được lịch sử và quá khứ thay vì những bài giảng chay khô khan.

Các học sinh tham quan bảo tàng

 Ông Nakamura hướng dẫn các học sinh tham quan

“Đây là lần đầu tiên cháu tới thăm bảo tàng Động đất Kobe, cháu thấy thảm họa động đất xảy ra rất khủng khiếp. Động đất là thảm họa thiên tai rất đáng sợ. Tới đây, cháu học được rất nhiều bài học quan trọng về cách phòng chống thảm họa, việc tự bảo vệ mình, bạn bè và người thân trước thảm họa”, một học sinh trung học ở thành phố Kobe đến thăm bảo tàng Động đất Kobe cho biết.

Hiện nay, ở tầng 1 của bảo tàng Động đất Kobe có một tấm bảng với những con số dự báo về khả năng các trận động đất có thể xảy ra. Trong đó đáng chú ý nhất là một dự báo trong 30 năm nữa, có thể vùng đất này sẽ phải gánh chịu một cơn động đất cực mạnh, với sóng thần dâng cao tới 15m.

Nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện ông Nakamura rằng nước Nhật sẽ làm gì nếu động đất lớn xảy ra ở thời điểm này? Gương mặt người hướng dẫn viên Nhật Bản này vẫn tràn đầy lạc quan. Ông trả lời: “Động đất và núi lửa là những gì mà mẹ Thiên nhiên ban tặng cho Nhật Bản. Chúng tôi sẵn sàng đối phó và sẽ không lùi bước”./.