Động thái này bắt nguồn từ việc hôm qua Tổng thống Hadi đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội trong bối cảnh phiến quân Houthi siết chặt kiểm soát thủ đô Saana, đẩy đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hơn.

Trong đơn từ chức, ông Hadi nêu rõ ông không thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng thống bởi các đảng phái chính trị khác trong nước không có tinh thần hợp tác nhằm đưa Yemen thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.

yemen_absk.jpgBạo loạn ở khu vực gần phủ tổng thống Yemen (ảnh: Reuters)
Theo một nghị sĩ quốc hội đồng thời là một cố vấn của Tổng thống, ông Hadi quyết định từ chức sau khi nhóm phiến quân Houthi gây sức ép yêu cầu bổ nhiệm một thành viên của lực lượng này làm Phó Tổng thống.

Theo Hiến pháp Yemen, Phó Tổng thống sẽ tạm thời đảm nhiệm quyền điều hành đất nước trong trường hợp Tổng thống từ chức. Tuy nhiên, kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống vào tháng 2/2012, ông Hadi vẫn chưa chỉ định Phó Tổng thống.

Trước đó, Thủ tướng Yemen, ông Khaled Bahah cũng đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Hadi. Phát biểu về động thái này, Tổng thống Hadi cho biết, Thủ tướng Bahah cùng nội các sẽ không thay đổi quyết định dưới bất kỳ trường hợp nào.

Trong một tuyên bố tối qua, phong trào phiến quân Houthi đã hoan nghênh quyết định từ chức của cả Tổng thống Hadi và Thủ tướng Bahah cùng nội các. Phong trào này cũng đưa ra đề xuất thành lập một hội đồng tổng thống, cơ quan sẽ bao gồm các nhóm do Houthi lãnh đạo, quân đội và một số đảng phái chính trị để cùng tham gia điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngày 21/1 vừa qua, chính phủ Yemen đã ký một thỏa thuận hòa bình với phiến quân Houthi, lực lượng đã chiếm dinh Tổng thống sau cuộc xung đột với lực lượng bảo vệ dinh. Theo thỏa thuận này, các tay súng Houthi phải rút khỏi tư dinh của ông Hadi cũng như dinh Tổng thống và một căn cứ quân sự đã chiếm ở thủ đô Saana.

Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ tổng thống Yemen, Đại tá Saleh al-Jamalani, cho biết phiến quân Houthi đã chiếm đóng dinh tổng thống ở thủ đô Saana, đồng thời triển khai thêm quân bao vây tòa nhà quốc hội.

Phản ứng trước tình hình tại Yemen, Mỹ  hôm qua thông báo sẽ rút bớt đội ngũ ngoại giao Mỹ ở Saana do tình hình an ninh tại đây đang xấu đi nhưng chưa có kế hoạch đóng cửa Đại sứ quán Mỹ ở Yemen đồng thời tuyên bố theo dõi chặt chẽ tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói:“Chúng ta đã thấy nhiều sự cố đang xảy ra với đất nước Yemen và rõ ràng nước này đang có rất nhiều bạo lực và căng thẳng. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ và kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại”.

Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen, ông Benomar kêu gọi các bên tại nước này giải quyết thông qua các thỏa thuận và Hiệp định đã ký kết: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy tỉnh táo và có tinh thần quốc gia, ưu tiên cho các lợi ích quốc gia của Yemen, sử dụng đối thoại và hành động chính trị để giải quyết bất kỳ bất đồng chính trị, tránh bạo lực”.

Mặc dù một thỏa thuận hòa bình tại Yemen đã ra đời, song số phận của nó vẫn rất mong manh. Bởi giới phân tích cho rằng, chỉ cần một sơ suất nhỏ, căng thẳng chính trị tại Yemen có thể lại bùng phát bất kỳ lúc nào. Hiện tại, chính quyền Yemen đang nỗ lực hình thành một ủy ban giám sát để xem xét việc sửa đổi dự thảo hiến pháp và khôi phục an ninh tại thủ đô Saana.

Nếu tiếp tục căng thẳng, Yemen rõ ràng mất đi một cơ hội lịch sử để tiến đến sự thay đổi chính trị thực sự mà người dân mong chờ trong nhiều thập kỷ./.