Cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 10/12 (Ảnh: Reuters) |
Cái bắt tay phải chăng là một dấu hiệu cho thấy ông Obama đang cố gắng truyền tải một thông điệp rằng Mỹ muốn cải thiện mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa 2 nước, do Mỹ tiến hành bao vây cấm vận Cuba trong suốt hơn 50 năm qua? Hay đơn giản cái bắt tay chỉ là một hành động tránh những tranh cãi ngoại giao tại một buổi lễ mang đậm ý nghĩa của lòng bao dung?
Các quan chức Nhà Trắng đã từ chối cung cấp bất kỳ lời giải thích nào liên quan đến cái bắt tay hoặc xác nhận về việc đã có những thảo luận từ trước về cái bắt tay này.
Đó có thể chỉ là khoảnh khắc vụt qua tâm trí của ông Obama khi tiếp cận Chủ tịch Cuba sau bài phát biểu trước đó của ông. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama đã nói về sự cần thiết phải tin tưởng, hòa giải và tha thứ. Ông Obama cũng nói về cố Tổng thống Mandela – người vẫn được biết đến với cái tên Madiba – và tinh thần hòa giải cũng có thể áp dụng với mối quan hệ ngoại giao vốn đang bị đóng băng giữa Mỹ và Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Ông Obama nói: “Đối với Madiba, ông không chỉ giải phóng các tù nhân mà còn giải phóng cả các cai ngục, đó là hành động để bạn thấy rằng bạn phải tin tưởng người khác nếu muốn họ tin tưởng bạn. Để dạy ai đó về hòa giải không có nghĩa là bỏ qua một quá khứ tàn nhẫn, điều cần thiết là phải có lòng bao dung và chân thành. Mandela đã thay đổi luật lệ, nhưng ông ấy cũng làm thay đổi những tấm lòng”.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Obama có phải đã cố gắng để gửi đi thông điệp hòa giải qua cái bắt tay với ông Castro? Nếu như vậy, Chủ tịch Cuba sẽ là “kẻ thù” mới nhất mà ông Obama mong muốn trở thành bằng hữu, hoặc chí ít là xoa dịu mối thâm thù. Những nỗ lực của ông Obama để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Tổng thống Iran Hassan Rowhani là một ví dụ khác.
Cái bắt tay của ông Obama với Chủ tịch Castro có khả năng sẽ trở thành một vấn đề chính trị với Tổng thống khi mà trước đó, cái bắt tay của ông Obama với cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hồi năm 2009 đã bị đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Obama cũng từng phải hứng chịu búa rìu dư luận khi cúi chào Nhật hoàng Akihito. Ngoài ra, ông cũng bị cáo buộc cúi chào Quốc vương Saudi Arabia Abdullah trong một cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới năm 2009. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối xác nhận thông tin trên.
Bất chấp những đồn đoán về ý nghĩa thật sự của cái bắt tay, nhiều người cho rằng, sau những phát biểu của ông Obama, cử chỉ thân thiện như vậy có thể đánh dấu bước khởi đầu của một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 nước. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama gợi mở rằng, ông đang mong muốn hướng tới một thế giới xóa bỏ những hận thù cũ.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Obama nói: “Những gì từng diễn ra ở Nam Phi cho thấy, chúng ta có thể thay đổi, chúng ta có thể lựa chọn một thế giới được xây dựng không phải bằng xung đột mà bằng hòa bình, công lý và cơ hội”./.
Nguồn video: New York Times |