Toàn bộ người dân không phân biệt màu da, tôn giáo trên khắp Nam Phi đã dành trọn ngày Chủ nhật (8/12) để cầu nguyện tưởng nhớ tới Nelson Mandela.

tuong-niem-mandela.jpg
Người dân Nam Phi đặt hoa và nền tưởng nhớ ông Nelson Mandela bên ngoài nơi ở của ông tại Johannesburg ngày 8/12 (Ảnh: Reuters)

Khắp các nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo, giáo đường Do thái và các hội trường cộng đồng địa phương từ Sông Limpopo tới thành phố Cape Town, hàng triệu người đã bày tỏ lòng tôn kính và ngợi ca cố Tổng thống Mandela như một  “vị cha già” của dân tộc Nam Phi và như một biểu tượng của lòng chính trực và sự hòa giải.

Ông Nelson Mandela, Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi đã “chèo lái” đất nước thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trở thành một quốc gia dân chủ đa sắc tộc, đã qua đời hôm 5/12 ở tuổi 95, sau nhiều tháng lâm bệnh.

Kể từ khi biết tin, rất nhiều người đã mang hoa, nến, bóng bay đặt trước nhà vị lãnh đạo vĩ đại tại Johannesburg bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương của mình.

Tại nhà thờ  Regina Mundi ở Soweto, giáo phái Thiên chúa lớn nhất của Nam Phi, hàng trăm người từ già tới trẻ đã tập trung để cầu nguyện cho cố Tổng thống và tương lai của đất nước.

Bà Winnie Madikizela-Mandela, vợ cũ của cố Tổng thống cũng có mặt trong một buổi lễ tưởng niệm diễn ra tại Johannesburg, nơi Tổng thống Jacob Zuma đã hết lòng ca ngợi phẩm chất của vị lãnh đạo được yêu quý nhất của quốc gia Nam Phi.

Ông Zuma nói trong bài phát biểu: “Cố Tổng thống Mandela luôn tin vào lòng vị tha, thậm chí ông đã tha thứ cho tất cả những người đã giam cầm ông trong suốt 27 năm. Ông đã đấu tranh vì tự do, chống lại sự áp bức và mong muốn tất cả mọi người đều được tự do”.

Tang lễ quốc gia cố Tổng thống Mandela sẽ được cử hành tại sân vận động Johannesburg vào ngày 10/12. Linh cữu ông Mandela sẽ được quàn tại Toà Nhà Liên Đoàn- trụ sở của Chính phủ tại Thủ đô Pretoria từ ngày 11-13/12 trước khi diễn ra lễ truy điệu và an táng tại quê nhà của ông vào ngày 15/12.

Theo một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nam Phi, cho đến nay 59 vị lãnh đạo các quốc gia hoặc chính phủ cho biết sẽ tham dự lễ tưởng niệm hoặc lễ tang của cố Tổng thống.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon và Thủ tướng Anh David Cameron cũng đến tham dự lễ tưởng niệm tại sân vận động Johannesburg vào 10/12.

Người đứng đầu văn phòng Tổng thống Collins Chabane cho biết, “các vị lãnh đạo quốc tế đang trên đường tới Nam Phi ngay sau khi được thông báo về sự ra đi của cựu Tổng thống Mandela. Điều này khẳng định vị trí đặc biệt của ông trong trái tim của người dân trên toàn cầu”.

Lễ tưởng niệm tại các nhà thờ, hội trường và công viên

Tại nhà thờ St George ở thành phố Cape Town, nơi những nhà hoạt động chống chủ nghĩa Aparthied đã từng nương náu vào những năm 1980, người dân địa phương và khách du lịch đã không cầm được nước mắt trong suốt buổi lễ bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng thống.

Michael Weeder, Trưởng Tu viện phát biểu: “Ông là biểu tượng của tinh thần giải phóng châu Phi. Mặc dù đã ra đi nhưng hình ảnh cố Tổng thống vẫn sống mãi trong lòng người dân Nam Phi nói riêng và thế giới nói chung. Ông đã được phục sinh vì mọi hành động tốt đẹp của mình”.

Tại nhà thờ Rivers Pentacostal ở Johannesburg, những người tiếc thương cố Tổng thống đã khoác quốc kỳ và xem video ca ngợi cố Tổng thống Mandela khi ông nhận giải Nobel Hòa bình: “ông là một vị lãnh đạo hiếm có, không ngừng đấu tranh vì chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và là một hình mẫu lãnh đạo lý tưởng”.

Người Hồi giáo trong khu vực cũng đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm cố Tổng thống Mandela tại hội trường địa phương.

Ngoài ra, rất nhiều bài xã luận viết về cố Tổng thống nhằm kêu gọi người dân Nam Phi cũng như toàn thế giới tiếp thu và phát huy tinh thần của “người hòa giải vĩ đại” vì ông đã phá vỡ sự phân biệt chủng tộc chia rẽ Nam Phi trong nhiều thế kỷ và là cầu nối đưa mọi người đoàn kết lại với nhau.

“Tôi không phải là một vị thánh”

Shadrack Motau, một người dân tại Soweto cho biết: “Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ không tìm thấy người nào như ông nữa, ông như chúa Jesu vậy”.

Người đứng đầu văn phòng Tổng thống Collins Chabane cho biết, một bức tượng Mandela mới sẽ được ra mắt tại Tòa nhà Liên Đoàn của Chính phủ vào ngày 16/12, ngày được xem là “ngày hòa giải”.

Dưới thời Apartheid, ngày này kỷ niệm trận chiến năm 1838 có tên “Blood River”, trong đó khoảng 500 người Afrikaner đã đánh bại hơn 10,000 người Zulu.

Mặc dù khắp thế giới kính trọng ông, nhiều đường phố trên khắp Nam Phi và thế giới mang tên ông, Mandela trong suốt cuộc đời luôn chống lại chủ nghĩa tôn sùng anh hùng cá nhân.

“Tôi không phải là một vị thánh, trừ khi bạn nghĩ một vị thánh giống như một tội đồ không ngừng cố gắng”, cố Tổng thống Mandela nói với nụ cười quyến rũ đã từng mê hoặc cả kẻ thù, những nhân vật nổi tiếng và những người dân thường./.