Cuối tuần trước, trong một bài phát biểu hiếm hoi tại nhà riêng Đại sứ Ai Cập tại Ten Aviv, Thủ tướng Israel Netanyahu bất ngờ tuyên bố hoan nghênh sáng kiến hoà bình Arab và kêu gọi xây dựng một nền "hoà bình nồng ấm" với các nước Arab. Tuy nhiên, như mọi lần, tuyên bố nghe có vẻ thiện chí lần này của ông Netanyahu một lần nữa gặp phải cái nhìn nghi ngờ của dư luận. Câu hỏi "Ý đồ thực sự của Israel là gì ?" lại được đặt ra.

Sẽ không ngoa nếu nói rằng bài phát biểu của Thủ tướng Israel Netanyahu quá "tốt đẹp" tới mức ngay lập tức khó ai có thể tin tưởng được. Người đứng đầu Chính phủ Israel tuyên bố đánh giá cao các nỗ lực chung có giá trị của các nước Arab để thúc đẩy sáng kiến hoà bình và tin rằng một nền hoà bình trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau ở Trung Đông là có thể.

Suốt 7 năm qua, nếu mảy may có được một tuyên bố kiểu này của các nhà lãnh đạo Israel, có lẽ sáng kiến hoà bình Arab đã có thể phát huy tác dụng của nó. Tuy nhiên, sáng kiến được đưa ra từ năm 2002 kêu gọi Israel rút khỏi các vùng đất chiếm đóng sau cuộc chiến tranh năm 1967, giải quyết thoả đáng vấn đề người tị nạn Palestine, để đổi lấy sự công nhận từ phía tất cả 22 nước Arab gần như chỉ nằm trên giấy tờ, do sự phản đối mạnh mẽ từ phía Israel bấy lâu nay.

Quan điểm mới mẻ của Thủ tướng Israel liệu có thể thúc đẩy sáng kiến hoà bình Arab? Khó có thể tin vào triển vọng ấy chừng nào Israel chưa cam kết và hành động thực sự theo tinh thần của sáng kiến đó. Hãy nhìn vào những gì Israel đang làm. Đó là thay vì rút quân khỏi các vùng chiếm đóng, Israel lại đang thực hiện kế hoạch táo bạo xây dựng các khu định cư mới cho người Do Thái ngay ở Đông Jerusalem. Kế hoạch này trắng trợn tới mức Washington cũng phải triệu hồi Đại sứ Israel tới để phản đối.

Song đáp lại phản ứng của Mỹ, Chính Thủ tướng Netanyahu đã khẳng định quyền kiểm soát của Israel đối với Đông Jerusalem là không có gì phải bàn cãi. Thế rồi, những ngày gần đây, tàu chiến Israel liên tục đi qua kênh đào Sue để tham gia tập trận quân sự ở Biển Đỏ. Trước những hành động như vậy của phía Israel, thử hỏi làm sao Palestien và các nước Arab có thể tin vào cái gọi là "hoà bình nồng ấm" mà ông Netanyahu nêu ra?

Vậy thì ý đồ thực sự của Israel là gì? Lời giải thích thuyết phục nhất là Israel đang thực hiện chiến lược "hoà hoãn" với các nước Arab trước hết để tiếp tục sách lược "gặm nhấm dần dần" các vùng lãnh thổ của người Palestine và tiến bước chống Iran.

Càng ngày mối lo ngại về nguy cơ Israel tấn công Iran càng lớn hơn, dù dư luận đã lên tiếng rằng một cuộc tấn công như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được. Tổng thống Pháp N. Sarkozy tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm G8 mới đây đã nhấn mạnh rằng một hành động đơn phương như thế sẽ là một "thảm hoạ thực sự". Thế nhưng, điều gây sốc cho dư luận là dường như Mỹ lại đang ủng hộ cho ý định này của Israel.

Đầu tiên là tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Israel là một quốc gia độc lập, hoàn toàn có quyền hành động tự vệ theo ý họ. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau đó đã lên tiếng bào chữa rằng tuyên bố của ông Biden không có nghĩa là Mỹ bật đèn xanh cho Israel tấn công Iran. Thế nhưng, chuyến thăm Israel hôm nay (26/7) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tập trung bàn về vấn đề Iran là minh chứng không thể chối cãi rằng Mỹ đang hậu thuẫn cho Israel trong việc tăng cường tiềm lực chống Iran. Rõ ràng Israel muốn khoét sâu những chia rẽ giữa Iran với một số nước Arab để đối phó với Tehran.

Thế nhưng tính toán của Israel rất khó thành công bởi không một nước Arab nào muốn tái diễn chiến tranh ở khu vực. Và cho dù có thể có đôi chút bất hoà với Iran, người Arab vẫn nghi ngờ và lo sợ về Israel và Mỹ gấp bội. Ý đồ của Israel không chỉ càng phá hỏng các nỗ lực hoà bình ở Trung Đông mà còn gây hại đến việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran./.