Ngày 19/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Senegal đã ra khỏi danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola và tiếp theo sẽ là Nigeria. Đang có nhiều tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống Ebola trên toàn cầu song không vì thế mà các biện pháp đề phòng được phép lơi lỏng.

1400x931275_e1413727821298_dbct.jpgMột bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện (Ảnh AP)

Ngày 19/10, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 61 của Hội đồng khu vực miền Đông Địa Trung Hải ở Tunisia, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Margaret Chan cho biết, Senegal đã chính thức thoát khỏi dịch bệnh Ebola từ hôm 17/10 vừa qua và ngày 20/10, Nigeria cũng dự kiến tuyên bố thoát khỏi dịch bệnh chết người này.

Trong khi đó, ngày 19/10, giới chức Washington khẳng định, nhân viên phòng thí nghiệm từng tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm của người đầu tiên tử vong vì Ebola trên lãnh thổ nước Mỹ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus chết người này. Viện nghiên cứu các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ cũng cho biết, y tá Nina Phạm, người đầu tiên nhiễm virus Ebola trên lãnh thổ Mỹ từ bệnh nhân đã tử vong người Liberia, đang trong giai đoạn hồi phục.

Còn tại Tây Ban Nha, y tá Teresa Romero, người điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm Ebola ở bệnh viện Madrid cũng đã qua cơn nguy kịch. Kết quả xét nghiệm máu ngày 19/10 cho thấy hệ miễn dịch của cô Romero đã loại trừ virus Ebola tuy nhiên cô vẫn phải thực hiện một lần kiểm tra máu nữa để khẳng định chắc chắn. Chồng của cô Romero cùng 15 người khác có tiếp xúc với y tá này trong thời gian gần đây đều chưa có triệu chứng nhiễm virus Ebola.

Dù đã có một vài tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống Ebola, các nước vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp đề phòng nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Ngày 19/10, Chính phủ Bỉ cho biết, sân bay Brussels, một trong những đầu mối của các chuyến bay từ châu Âu đến châu Phi sẽ bắt đầu kiểm tra sức khỏe đối với hành khách đến từ các nước Tây Phi như Guinea, Liberia và Sierra Leone để phòng ngừa sự lây lan của virus Ebola.

Điều phối viên về Ebola của Bỉ Erika Vileghe cho biết: “Việc kiểm tra sức khỏe sẽ được tiến hành ngay sau khi hành khách xuống máy bay và thực hiện từ xa, nghĩa là không có sự tiếp xúc trực tiếp với hành khách”.

Trước đó, do lo ngại dịch bệnh lan rộng ở Tây Phi, chính phủ Maroc đã đệ đơn lên Liên đoan bóng đá thế giới (FIFA) hoãn tổ chức Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Phi (CAN 2015) dự kiến diễn ra ngày 17/1 năm sau.

Liên đoàn bóng đá thế giới đã bác bỏ đề nghị này trong khi Tổ chức Y tế thế giới khẳng định tôn trọng quyền tự quyết của chính phủ Maroc, đồng thời cam kết hỗ trợ đảm bảo an toàn về y tế cho giải đấu diễn ra như dự kiến.

Giám đốc khu vực Đông Địa Trung hải của Tổ chức Y tế thế giới Ala Alwan cho biết: “Tổ chức Y tế thế giới không ban hành bất cứ lệnh cấm đi lại hay cấm tổ chức sự kiện nào. Tuy nhiên, chúng tôi tôn trọng quyền tự quyết của Maroc về việc hoãn tổ chức Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Phi. Chúng tôi đang phối hợp với chính phủ nước này và sẽ cử một đội chuyên gia kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới đến Maroc trong vòng vài ngày tới kiểm tra xem Maroc đã chuẩn bị đến đâu để đối phó với dịch Ebola, đồng thời đánh giá những nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại đây”.

Ngày 19/10, Trong thông điệp “thư gửi thế giới” phát trên kênh BBC của Anh, Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf cảnh báo, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế mà đang gây ra thảm họa kinh tế, để lại hậu quả là “một thế hệ bị đánh mất” của thanh niên ở các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ít nhất 3.700 trẻ em tại Liberia, Guinea và Sierra Leone mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ kể từ khi dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi vào tháng 3 vừa qua. Tổng thống Sirleaf nhấn mạnh, dịch bệnh này không có biên giới, từ đó kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để kiểm soát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi.

Ông Sirleaf nói: “Bổn phận của mỗi công dân trên toàn cầu là gửi đi thông điệp rằng chúng ta sẽ không để hàng triệu người dân ở Tây Phi phải chiến đấu chống lại kẻ thù mà họ không hiểu rõ và không đủ khả năng kháng cự này. Chúng ta không còn thời gian để đưa ra giả thuyết nữa vì chỉ có hành động thực chất mới cứu được đất nước tôi và những nước láng giềng khỏi thảm họa quốc gia”.

Các nhà tài trợ trên thế giới đã ủng hộ khoản tiền gần 400 triệu USD cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức cứu trợ nhưng vẫn cần thêm 988 triệu USD cho cuộc chiến chống virus Ebola ở Tây Phi.

Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi quyên góp 1 tỷ USD cho quỹ phòng chống Ebola, một nguồn tài chính dự phòng để ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này nhưng đến nay quỹ mới chỉ nhận được khoảng 100.000 USD./.