Mỹ đã yêu cầu cách ly khẩn cấp một nhân viên y tế có thể đã tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm của công dân Liberia, người đầu tiên được chẩn đoán nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ và đã tử vong.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang đứng trước sức ép ngày càng lớn khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) bị chỉ trích là đã mắc nhiều sai sót nghiêm trọng và thiếu sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với dịch.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/10 cho biết, một nhân viên y tế của bệnh viện Giáo hội Trưởng lão ở bang Texas đã bị cách ly ngay trên tàu khi đang tham gia một chuyến du lịch dài ngày dù chưa có triệu chứng của bệnh.
Nhân viên y tế này không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã tử vong Thomas Eric Duncan nhưng đã xử lý chất dịch từ người này cách đây 19 ngày.
Nhân viên y tế này đã lên tàu Carnival Magic khởi hành chuyến du lịch từ thành phố Galveston của bang Texas ngày 12/10 vừa qua, khi chưa có những cảnh báo của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC).
Trung tâm này cho biết thời gian ủ bệnh tối đa của virus Ebola là 21 ngày trong khi nhân viên y tế nghi nhiễm virus này đã tiếp xúc với bệnh nhân 19 ngày trước nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Belize Dean Barrow ngày 17/10 đã từ chối yêu cầu của giới chức Mỹ muốn sử dụng một sân bay của quốc gia Trung Mỹ này để chuyển hành khách cần cách ly trên chuyến tàu du lịch biển trên dù nguy cơ đã nhiễm Ebola của người này là rất thấp.
Ông Barrow cho biết: “Nếu có cách nào đó để làm được việc này mà có thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ đối với người dân Belize thì tôi sẵn lòng thực hiện. Nhưng thực tế, sau khi cân nhắc thận trọng, tôi kết luận rằng quan điểm của chúng tôi trong bối cảnh này là vẫn không thể thực hiện những gì phía Mỹ yêu cầu”.
Trong khi đó, tàu Carnival Magic chở hành khách bị cách ly vì nghi nhiễm Ebola đã phải bỏ qua một trạm dừng chân ở thành phố Cozumel của Mexico vì giới chức nước này từ chối cho phép cập cảng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm Ebola.
Quan chức Mỹ đang thu xếp để tàu Carnival Magic quay trở về nước vào ngày 19/10. Trong lúc này, nhân viên y tế bị nghi nhiễm Ebola và một người đồng hành đã tự nguyên cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe nhưng vẫn chưa có biểu hiện sốt hay bất cứ triệu chứng nào của việc đã nhiễm virus chết người này.
Sau vụ việc bệnh nhân người Liberia mang virus Ebola đến Mỹ, khảo sát của báo Washington Post và kênh ABC News mới đây cho thấy, phần đông người Mỹ ủng hộ cấm đi lại đến Tây Phi.
Liên minh châu Âu (EU) chưa ban hành lệnh cấm đi lại với các nước Tây Phi có dịch song hôm 16 tháng 10 vừa qua cũng đã phải tăng cường các biện pháp kiểm tra ở sân bay để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm Ebola.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) Felix Kabange ngày 17/10 kêu gọi các nước châu Phi đoàn kết nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng Ebola.
“Chúng ta đã thấy cộng đồng quốc tế huy động nguồn lực cho Tây Phi như thế nào nhưng Cộng hòa Dân chủ Congo cho rằng chính châu Phi phải tự huy động nguồn lực cho bản thân. Cộng hòa Dân chủ Congo đã thành công nhờ phương pháp tiếp cận cộng đồng. Hàng ngày chúng tôi vẫn tự nhủ rằng nếu cộng đồng không gánh lấy trách nhiệm này và tham gia vào cuộc chiến chống Ebola thì dịch bệnh này sẽ không dập tắt được”, ông Kagange nói.
Cộng hòa Dân chủ Congo đã phát động chiến dịch rửa tay trên toàn quốc như là một biện pháp phòng ngừa tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch Ebola.
Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đang tập huấn cho bác sỹ, nhà sinh vật học và tâm lý học để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai đội ngũ hơn 1.000 nhân viên và chuyên gia y tế đến các vùng dịch ở trong và ngoài nước.
Cộng hòa Dân chủ Congo đã 7 lần trải qua dịch Ebola và cũng đang có dịch với 49 ca tử vong trong số 69 trường hợp nhiễm virus. Tuy nhiên, chủng virus ở đây hoàn toàn khác so với chủng virus đang hoành hành ở các nước Tây Phi và lây lan sang một số nước trên thế giới như Mỹ và Tây Ban Nha.
Dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo được cho là đang nằm trong tầm kiểm soát bởi trường hợp phát hiện nhiễm virus mới nhất là từ ngày 4/10, nghĩa là nước này có thể tuyên bố dập được dịch vào giữa tháng sau nếu từ nay đến lúc đó không có trường hợp mới.
Nhưng nhìn chung dịch Ebola tại Tây phi, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách mạng lưới cảnh báo và ứng phó toàn cầu, bà Isabelle Nuttall cho rằng sẽ phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước khi dịch bệnh Ebola có thể được khống chế./.