Phát biểu với báo giới, Catherine Smallwood - Giám đốc phụ trách theo dõi tình hình bệnh đậu mùa khỉ của WHO tại khu vực châu Âu cho biết, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện trong đợt bùng phát mới nhất tập trung ở châu Âu là những người có quan hệ tình dục với nhau, có tiếp xúc gần.
Trong những ngày gần đây, các nhà khoa học phát hiện các vật chất di truyền của virus trong tinh dịch của nhiều bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Đức và Italia, trong đó có mẫu xét nghiệm cho thấy virus phát hiện trong tinh dịch của một bệnh nhân có thể lây lan cho người khác và bắt đầu quá trình sao chép. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan này vẫn tin rằng virus gây bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc gần gũi giữa người với người.
“Có một số bệnh nhân đã được xét nghiệm tinh dịch để tìm virus và kết quả dương tính. Đây là điều mà chúng tôi đang nghiên cứu. Tuy nhiên, thông tin này không làm thay đổi cách đánh giá của chúng tôi về các đường lây truyền hiện tại mà chúng tôi đang nhận thấy vào lúc này. Đó là phần lớn các ca lây nhiễm dựa trên sự gần gũi về thể chất giữa các cá nhân, tiếp xúc da với da, da với miệng và đó thực sự là yếu tố thúc đẩy sự lây nhiễm” - đại diện WHO cho biết.
Thống kê cho thấy, hơn 1.300 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở khoảng 30 quốc gia, chủ yếu là ở châu Âu, kể từ đầu tháng 5. Hầu hết các ca bệnh được ghi nhận ở các nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Đợt bùng phát này gây lo ngại vì bệnh đậu mùa khỉ trước đây rất hiếm khi lây lan ngoài châu Phi, nơi đã coi đây là bệnh đặc hữu. Đặc biệt, phần lớn các ca mắc được phát hiện không có lịch sử đi lại tới châu Phi. Hiện các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu cách thức của đợt bùng phát hiện nay, nguồn gốc dịch bệnh và liệu virus đã có biến đổi gì so với những virus được phát hiện ở châu Phi hay không./.