Đại diện WHO Al-Gasseer nói rằng Ai Cập là một trong những câu chuyện thành công của thế giới trong việc xử lý đại dịch Covid-19, vì không chỉ kiểm soát được đại dịch mà nước này còn kiểm soát được các vấn đề sức khỏe khác, do cam kết chính trị cấp cao nhất đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong đó chính phủ cùng tất cả các bộ, ngành, cộng đồng và doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch.
Ai Cập đã hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế để chống lại đại dịch. Ai Cập đã tham gia các thử nghiệm lâm sàng về vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên toàn cầu còn hạn chế. Nước này cũng đã làm tốt việc quản lý các nguồn tài nguyên và mọi người sống ở Ai Cập đều được tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 công bằng.
Đại diện WHO cho biết, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn. Trong khi chờ các nguồn viện trợ này, Ai Cập đã chủ động sản xuất, không chỉ thông qua việc chuyển giao công nghệ mà còn bằng cách tự phát triển vaccine thông qua Viện nghiên cứu quốc gia. Vaccine do Ai Cập tự nghiên cứu hiện đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng. WHO ủng hộ một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó quyền sở hữu trí tuệ sẽ được dỡ bỏ để có thể mở rộng sản xuất vắc xin trên toàn thế giới. Ai Cập cũng đã hợp tác với Trung Quốc để sản xuất vaccine Sinovac, nhằm tự cung cấp vaccine và hướng xuất khẩu sang châu Phi.
Trong đại dịch Covid-19, Ai Cập đã thành lập một đội đặc nhiệm về các dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, những người mắc các bệnh như cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường hoặc ung thư. Hệ thống số hóa được khởi xướng dễ dàng truy xuất thông tin về những người mắc bệnh, đồng thời cho phép cấp thuốc tại nhà cho người bệnh, thay vì đến các trung tâm y tế trong thời kỳ đại dịch. Đây là một câu chuyện thành công của Ai Cập, có thể được nhân rộng, kể cả ở nhiều quốc gia khác không có hệ thống kỹ thuật số như vậy.
Thông qua hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, Ai Cập có thể bảo vệ người dân khỏi đói nghèo, thông qua việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đại diện WHO cho rằng, chăm sóc sức khỏe không chỉ là khám và chữa bệnh mà còn là việc nâng cao sức khỏe của mọi người và dự phòng thông qua phát hiện sớm và tiêm chủng, cung cấp dịch vụ chăm sóc và đảm bảo phục hồi chức năng nếu cần. Bằng cách này, Ai Cập cũng đang giải quyết tình trạng nghèo đói. Bà Al-Gasseer lưu ý rằng, một phần của luật bảo hiểm y tế toàn dân của Ai Cập cũng chú trọng cải thiện điều kiện làm việc và chính sách lương của nhân viên y tế. Đại diện WHO cho rằng, đó là chìa khóa quan trọng.
WHO cũng đánh giá cao sáng kiến “Cuộc sống tốt” (Decent Life) của Tổng thống Ai Cập, nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống ở các cộng đồng nông thôn nghèo nhất. Sáng kiến này liên quan đến việc cải thiện các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu và khả năng tiếp cận của các cơ sở y tế, cải thiện điều kiện làm việc cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe./.