Giới chức Trung Quốc trước đó đã công bố bắt giam 6 quan chức của Shanghai Husi Food Co., một chi nhánh của OSI, vốn điều hành nhà máy đã bị đóng cửa ở thành phố Thượng Hải hồi tháng 7 do trộn thịt quá đát với sản phẩm mới.

Khách hàng của OSI ở Trung Quốc gồm có cả McDonald’s và KFC.

thit_ban_1_ypyj.jpg
Một nhà máy chế biến thực phẩm của OSI tại Hồ Bắc, Trung Quốc (Ảnh: AFP)

“Tập đoàn OSI xác nhận 6 nhân viên của Shanghai Husi hiện đã bị bắt”, công ty này ra tuyên bố gửi báo chí. “OSI sẽ tiếp tục phối hợp tích cực và thiện chí với giới chức trách”, tuyên bố cho biết thêm. Tuy nhiên danh tính của những người bị bắt không được công bố.

Văn phòng công tố Thượng Hải cho biết trên trang web của cơ quan này rằng, các nhân viên trên bị nghi ngờ sản xuất và bán sản phẩm “giả và kém chất lượng”.

Vụ bê bối được một đài truyền hình của Thượng Hải đưa ra ánh sáng, đã gây sốc lớn ở Trung Quốc và thế giới. Các chuỗi nhà hàng phương Tây thường được xem là có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn ở Trung Quốc, nước vốn liên tục đối mặt với các vấn đề an toàn thực phẩm.

Khách hàng của nhà máy OSI Thượng Hải tại Trung Quốc cũng gồm cả Pizza Hut, chuỗi café Starbucks, Burger King, cửa hàng bán đồ tiện lợi 7-Eleven và Papa John's Pizza.

Các cửa hàng McDonald’s ở Nhật và Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng.

McDonald's đã cắt đứt quan hệ với OSI ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang điều tra OSI, trong khi công ty OSI của Mỹ cũng đang tiến hành điều tra nội bộ riêng sau khi đã sốc lại bộ máy quản lý ở Trung Quốc./.