Đã 72 giờ trôi qua kể từ sau vụ sập tòa nhà 8 tầng ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót trong các đống đổ nát.

1-nguoi-song.jpg
Một người phụ nữ được cứu sống. (ảnh: AP)

Tính đến sáng 27/4, số người chết trong vụ sập nhà đã tăng lên 332 người và hơn 2.300 người bị thương. Hiện số người mất tích chưa xác minh được chính xác vì vào thời điểm xảy ra tai nạn, không rõ có bao nhiêu người đang ở trong tòa nhà.

Cảnh sát Bangladesh cho biết, vừa bắt giữ hai chủ xưởng may có cơ sở đặt trong tòa nhà này. Cảnh sát đã lập hồ sơ tội "gây chết người do bất cẩn" đối với các chủ xưởng may. Trong khi đó, chủ tòa nhà 8 tầng, nơi có khoảng 3.000 công nhân làm việc vẫn đang bỏ trốn.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Shamsul Huq cho biết, tất cả những ai liên quan đến vụ sập nhà như nhà thầu, kỹ sư thiết kế… đều sẽ bị bắt giữ.

Trước đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng đã yêu cầu cơ quan lập pháp trừng trị nghiêm khắc đối với những chủ xưởng may buộc công nhân đi làm trong điều kiện không đảm bảo an toàn.

Rạng sáng 27/4, các nhân viên cứu hộ đã phát hiện và cứu sống 7 người trong các đống đổ nát của tòa nhà. Hiện lực lượng cứu hộ đang nỗ lực giải cứu 15 người còn sống bị mắc kẹt trong tòa nhà, cung cấp thực phẩm khô, nước uống và oxy cho họ. Ông Major Ruhul, một chỉ huy quân đội tham gia công tác cứu hộ cho biết: “Chúng tôi đã đưa một số nạn nhân bị mắc kẹt ở tầng 3 ra ngoài, trong đó vẫn còn có người sống sót và chúng tôi đã cung cấp thực phẩm cho họ. Chúng tôi vẫn tiếp tục các nỗ lực cứu hộ với hy vọng sẽ còn cứu sống được những người còn lại”.

Lực lượng cứu hộ cho biết, khoảng 2.500 người đã được cứu sống, trong đó gần một nửa bị thương.

Thảm họa gây thương vong lớn trên đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn công nhân ngành may, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Từ ngày 26 đến 27/4, các công nhân và người thân của người bị nạn đã biểu tình ở thủ đô và đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay và đạn cao su khi những người biểu tình chặn đường, tấn công các xưởng may và phá xe buýt ở khu vực quanh thủ đô Dhaka./.