Hôm 25/6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) E.Snowden vẫn đang trong khu quá cảnh ở sân bay Sheremetyevo. Như vậy, cuối cùng hành tung của cựu điệp viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã rõ sau khi anh không có mặt trên chuyến bay từ Moscow đến Cuba như đã dự kiến. Việc E.Snowden vẫn đang có mặt tại Nga đang đặt quan hệ Nga-Mỹ và cả Trung Quốc trước một thử thách mới.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình ở Phần Lan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “E.Snowden chắc chắn đã đến Nga. Đối với chúng tôi, điều này hoàn toàn bất ngờ. Anh ta là một hành khách quá cảnh, do vậy anh ta không cần phải có visa hay giấy tờ nào khác. Anh ta có quyền mua vé đến nơi nào anh ta muốn. Hiện anh ta vẫn ở phòng chờ quá cảnh, và các cơ quan đặc vụ của chúng tôi cũng không làm việc với anh ta”.

Ông Putin hy vọng, vụ E.Snowden sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ với Washington. Tuy nhiên, ông tuyên bố Moscow không có trách nhiệm phải dẫn độ E.Snowden  như đề nghị của Mỹ: “Sẽ không có chuyện dẫn độ E.Snowden. Chúng tôi chỉ dẫn độ khi có thỏa thuận quốc tế về dẫn độ tội phạm với nước đó. Chúng tôi không có thỏa thuận này với Mỹ. E.Snowden cũng không phạm tội trên lãnh thổ nước Nga, vì vậy anh ta sẽ không bị dẫn độ về Mỹ”.

Trước đó, vài giờ, phía chính quyền đặc khu hành chính của Hongkong (Trung Quốc) cho biết, không có đủ cơ sở pháp lý để bắt giữ E.Snowden. Thư ký Cơ quan tư pháp đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc), ông Viên Quốc Cường cho biết: “Cho đến thời điểm ông E.Snowden rời Hongkong (Trung Quốc), chính phủ Mỹ đã không hồi âm về yêu cầu cung cấp thêm thông tin của Cơ quan Tư pháp Hongkong (Trung Quốc). Do đó, theo Luật pháp Hongkong (Trung Quốc), Cơ quan Tư pháp không có cơ sở pháp lý để yêu cầu một lệnh bắt giữ tạm thời từ tòa án Hongkong (Trung Quốc). Nếu không có một lệnh tạm thời, Hongkong (Trung Quốc) không có cơ sở pháp lý để hạn chế hoặc ngăn chặn ông E.Snowden rời khỏi Hongkong”.

Cùng ngày, 25/6, Trung Quốc tuyên bố, cáo buộc của Mỹ nói rằng Bắc Kinh có liên quan đến E.Snowden rời khỏi Hongkong (Trung Quốc) là "vô căn cứ và không thể chấp nhận".

Trả lời họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cũng một lần nữa khẳng định, Hongkong (Trung Quốc) đã xử lý vụ E.Snowden đúng luật và yêu cầu các bên tôn trọng quyết định của chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) cho phép E.Snowden rời khỏi đặc khu hành chính này.

Những tuyên bố này của cả phía Nga, và Trung Quốc nhằm đáp lại chỉ trích trước đó của Mỹ khi nói rằng, Chính phủ Trung Quốc đã chủ ý thả một người lánh nạn bất chấp lệnh bắt giữ hợp lệ. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, quyết định của chính quyền Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung”. Còn Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer cũng lên tiếng khuyến cáo quan hệ Mỹ-Nga sẽ thêm căng thẳng vì Nga đã cho phép Snowden quá cảnh.

Việc chưa bắt được Snowden khiến các giới chức Mỹ như “ngồi trên đống lửa” bởi “Kẻ lộ mật” từng tuyên bố trên một tờ báo ở Hongkong (Trung Quốc) rằng: “Nếu có thời gian công bố hết những tin tức này, tôi muốn cung cấp cho các nhà báo ở các nước để họ đưa ra đánh giá của riêng mình, độc lập với thiên kiến của tôi, vì dù thế nào thì những việc làm chống lại người dân nước họ của mạng lưới gián điệp Mỹ cũng nên được công khai”. Những tiết lộ kiểu này của Snowden sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho Washington. Vì vậy, có thể nói hiện giờ Washington lo nhất là tiếp tục bị Snowden “vạch áo cho người xem lưng”. Trong thư xin tị nạn gửi tới chính phủ Ecuador, Snowden đã bày tỏ lo ngại sẽ bị đối xử phi nhân đạo, thậm chí là đối mặt với cái chết nếu bị trao trả cho Mỹ. Snowden cũng sợ sẽ phải đối mặt với một phiên tòa bất công ở Mỹ. Vụ việc sẽ còn tiếp tục gây rắc rối cho Washington và cuộc săn đuổi “kẻ phản bội nước Mỹ” (theo như tuyên bố của một số giới chức thẩm quyền Mỹ) sẽ không phải dễ dàng. Vì những nước mà Snowden có khả năng xin tị nạn thì hoặc chưa ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ (như Ecuador), hoặc có quan hệ chẳng mấy thuận hòa với Mỹ (như Cuba hay Venezuela).

Mỹ sẽ không dễ xử lý hậu quả từ vụ “Kẻ lộ mật” Snowden bởi trong khi phải bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia, Mỹ cũng cần bảo đảm quyền tự do dân sự, quyền tự do thông tin cá nhân như đã từng tuyên bố./.