Vụ cựu nhân viên Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden chạy sang Hongkong (Trung Quốc) tiết lộ các chương trình tuyệt mật của cộng đồng tình báo Mỹ không chỉ gây căng thẳng nội bộ Mỹ mà còn đang gây ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga. Ngày 24/6, Mỹ tiếp tục cảnh báo về hậu quả của các mối quan hệ ngoại giao với Nga và Trung Quốc liên quan đến vụ việc, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để bắt giữ Snowden.

Mặc dù có một số báo cáo cho biết Snowden đã sang Cuba nhưng Mỹ ngày 24/6 bày tỏ tin tưởng rằng, cựu nhân viên CIA này vẫn đang ở Nga đồng thời hối thúc Nga chuyển giao Snowden cho Mỹ.

Trước đó, Snowden được cho là sẽ bay từ Moscow sang Cuba và sau đó tới EcuadorTuy nhiên, liên quan đến hành trình di chuyển của Snowden, đại diện hãng hàng không Nga Aerroflot ngày 24/6 cho biết trên chuyến bay SU150 khởi hành từ thủ đô Moscow tới Cuba vào chiều 24/6 không có mặt Snowden, và chỗ của anh ta bị bỏ trống.

Hiện nay, các quan chức Nga cũng không có bất cứ bình luận nào về địa điểm Snowden đang ở. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quan chức ngoại giao và Bộ Tư pháp nước này đang thảo luận với phía Nga để đảm bảo dẫn độ Snowden về nước.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: “Chúng tôi đang đối thoại và hợp tác với Nga, hi vọng họ sẽ xem xét mọi lựa chọn để trục xuất Snowden quay trở lại Mỹ đối mặt với các cáo buộc. Tôi xin nhấn mạnh rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ sau vụ đánh bom tại Boston, lịch sử hợp tác với Nga về việc tăng cường luật pháp, bao gồm trao trả cho Nga những tội phạm cấp cao theo yêu cầu của chính phủ Nga, chúng tôi hi vọng chính phủ Nga sẽ xem xét mọi lựa chọn sẵn có để trục xuất Snowden trở lại Mỹ”.

Người phát ngôn Nhà Trắng cũng cho biết, chính phủ Mỹ không hài lòng với việc Chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc) cho phép Snowden rời khỏi khu vực này. Quyết định này đã hủy hoại những nỗ lực xây dựng lòng tin trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Phản ứng trước các tuyên bố của Mỹ, Cơ quan báo chí của Tổng thống Nga Putin không có bình luận trước bất cứ thông tin nào về hoạt động của Snowden. Trong khi đó, một quan chức nhân quyền của Nga, ông Vladimir Lukin khẳng định, Mỹ không có quyền yêu cầu Nga bắt giữ hay dẫn độ Snowden. Theo ông Lukin, Snowden không phạm tội ở Nga, cũng như các nhà chức trách Nga không nhận được bất kỳ thông báo nào của Tổ chức cảnh sát chống tội phạm quốc tế về lệnh bắt giữ công dân này, vì vậy Nga không có cơ sở để bắt ông ta.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân  Doanh ngày 24/6 cũng nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc bày tỏ tôn trọng quyết định của chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong cho phép Snowden rời khỏi đặc khu vực này.

Bà Hoa Xuân Doanh nói: “Chính quyền Đặc khu hành chính Hongkong đã có tuyên bố và giải thích rõ ràng về chuyến đi của Snowden. Chính phủ Trung quốc luôn tôn trọng quyết định của chính quyền Hongkong giải quyết vụ việc theo luật”.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa ngày 24/6 cũng bác bỏ sức ép quốc tế và cho biết sẽ phân tích vụ Snowden một cách trách nhiệm, đưa ra quyết được dựa trên các nguyên tắc quốc tế và chủ quyền quốc gia. Trước đó, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino xác nhận, chính phủ Ecuador đã “nhận được đơn xin tỵ nạn của ông Snowden" và đang xem xét vụ việc./.