Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo thường kỳ, với sự tham dự của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, khi giàn khoan Hải Dương - 981 cùng lượng lớn máy bay, tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc lại làm tình hình thêm phức tạp khi thông báo đưa giàn khoan Nam Hải số 9 đến vị trí mới.
Đông đảo phóng viên trong và ngoài nước tham gia buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Theo ông Lê Hải Bình, 13h ngày 21/6, các cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan Nam Hải số 9 đã đến vị trí Trung Quốc thông báo. Tiếp đó, Cục Hải sự Trung Quốc đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại Biển Đông. Khu vực giàn khoan Nam Hải số 9 và tàu khảo sát hoạt động là thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát hành bản đồ địa hình Trung Quốc trong đó có đường lưỡi bò và tiếp tục mở rộng, xây dựng trái phép trên một số hòn đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nói trên, không có hành động tương tự trong thời gian tới, tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ngày 23/6, tàu kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách giàn khoan 981 khoảng 11,5 hải lý thì bị tàu Trung Quốc vây ép, đâm húc gây thiệt hại nặng.
Đây là hành động nghiêm trọng, nguy hiểm tới an toàn tính mạng. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phần hỏi đáp:
Tuổi trẻ: Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo gần đây cho rằng tàu Việt Nam quấy rối, đi vào vùng tác nghiệp bình thường của Trung Quốc và đã chủ động tấn công đâm va vào tàu Trung Quốc. Bình luận của Việt Nam về vấn đề này?
Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam: Trước hết, chúng tôi cực lực phản đối và bác bỏ các thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/6. Thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra là hoàn toàn bịa đặt.
Tôi xin nhắc lại, các tàu cá cũng như tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam là hành động bình thường, phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, các tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc cố tình, chủ động đâm va, dùng biện pháp rất manh động, nguy hiểm để cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ của các tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Các hành động này là chủ động, có tổ chức, được chuẩn bị và tính toán kỹ từ trước, nhắm cố tình gây thiệt hại cho tàu chấp pháp Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, đã có 27 tàu kiểm ngư của Việt Nam bị tàu Trung Quốc chủ động đâm va, gây thiệt hại, khiến 15 kiểm ngư viên bị thương.
Về thông tin phía Trung Quốc cho rằng sáng 23/6, tàu kéo của Việt Nam đi vào vùng tác nghiệp bình thường của Trung Quốc, cố tình đâm va các tàu công vụ của Trung Quốc chúng tôi xin được thông tin lại như sau: Trong khi thực hiện nhiệm vụ, tàu kiểm ngư số hiệu 951 của Việt Nam đã bị 4 tàu Trung Quốc trong đó có 3 tàu kéo và 1 tàu hải tuần bao vây đâm va, gây hư hỏng nặng. Đáng nói hành động này thể hiện rõ sự manh động, nguy hiểm, có tổ chức, có sự tính toán trước để gây thiệt hại cho tàu Việt Nam.
Cụ thể, lúc 9h20, tại khu vực cách giàn khoan Hải Dương - 981 về phía Tây Nam khoảng 11,5 hải lý, khi tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ đã bị tàu kéo 284 và tàu hải tuần 11 của Trung Quốc chủ động áp sát, phun nước. Sau đó, tàu kéo Trung Quốc 09 dùng tốc độ cao đâm trực tiếp vào tàu kiểm ngư Việt Nam, không cho tàu Kiểm ngư vòng tránh, để tàu khác đâm trực diện vào mạn trái tàu Kiểm ngư Việt Nam, cú đâm này khiến tàu Việt Nam đã bị hư hỏng toàn bộ phòng y tế, gây thiệt hại các thiết bị trên tàu.
Tiền Phong: Trung Quốc vẫn khẳng định không đưa tàu chiến ra khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981, bình luận của Việt Nam về thông tin này?
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam: Trước hết, xin thông báo đến quý vị và các bạn tình hình thực địa trong 10 ngày qua.
Từ 16 đến 25/6, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 109 đến 125 tàu thuyền các loại để bảo vệ giàn khoan Hải Dương – 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam, trong đó có khoảng 4 - 6 tàu chiến. Hiện nay lực lượng tàu chiến Trung Quốc sử dụng tại hiện trường gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh và tàu quét mìn.
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục huy động từ 33 - 43 lần chiếc các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần và một số lượng lớn tàu kéo… phục vụ giàn khoan cũng như làm nhiệm vụ ngăn chặn, bảo vệ giàn khoan cùng 30 - 40 tàu cá hoạt động ở vòng ngoài, cách giàn khoan 35 - 40 hải lý để tạo thành vòng bảo vệ từ xa.
Về thủ đoạn hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc, Trung Quốc vẫn sử dụng nhiều tuyến để bảo vệ giàn khoan, tuyến trong bao gồm các tàu kéo và các tàu dịch vụ. Tuyến ngoài ở khoảng cách 10 – 12 hải lý bao gồm các tàu hải cảnh, hải giám và cả các tàu kéo.
Nếu như trước đây, Trung Quốc không dùng tàu kéo để đâm tàu Việt Nam thì nay họ tích cực dùng tàu kéo để kèm chặt hai mạn, tạo cơ hội để tàu khác đâm tàu Việt Nam. Trước đây, họ dùng tàu Hải cảnh để đâm tàu Việt Nam, thì tàu Trung Quốc cũng bị móp méo. Nhưng dùng tàu kéo công suất lớn và có hệ thống đệm va rất tốt nên khi đâm thì tàu của họ sẽ không bị hư hại.
Đồng thời với việc sử dụng tàu, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các loại máy bay, trong đó có máy bay trinh sát, tiêm kích, trực thăng, hoạt động trên hiện trường ở độ cao có khi chỉ khoảng 300m để uy hiếp tàu Việt Nam và nắm tình hình.
Ngoài ra, các tàu cá Trung Quốc tiếp tục ngăn cản việc đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đánh cá truyền thống cách khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 khoảng 30 -35 hải lý, sẵn sàng đâm va, đẩy ủi và sử dụng các biện pháp khác chèn ép, buộc ngư dân Việt Nam rời ngư trường.
Về việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này không dùng tàu quân sự tham gia bảo vệ giàn khoan, tôi xin khẳng định các tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên có mặt ở hiện trường, tổng cộng đã có 6 loại tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại hiện trường như tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mình và tàu vận tải đổ bộ.
Chúng tôi đã chụp được hình ảnh, đăng ký được tọa độ. Và không riêng gì phía Việt Nam mà các phóng viên trong nước và quốc tế cũng ghi được hình ảnh này. Vì thế, Trung Quốc nói không dùng tàu quân sự mà tàu này chỉ đi qua bình thường là sai sự thật, lời nói của họ không đi đôi với việc làm.
Tại hiện trường, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đấu tranh khẳng định chủ quyền. Tàu chấp pháp Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chủ trương của Nhà nước Việt Nam đó là bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Do đó, dù bị đâm va, bị phun nước, bị chèn ép chúng tôi vẫn bình tĩnh đối phó, vòng tránh đâm va đồng thời kiên trì giữ vững môi trường hòa bình, thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước.
An Ninh thủ đô: Trung Quốc vừa ngang ngược phát hành bản đồ đường 10 đoạn mới nuốt gần trọn Biển Đông. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: Xin khẳng định việc Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc trong đó có đường lưỡi bò bao trùm hầu hết Biển Đông là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước trên thế giới phản đối. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc.
Dân Việt: Trong chuyến thăm của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Việt Nam, hai bên đã có thống nhất giải quyết các vấn đề để sớm ổn định tình hình trên Biển Đông. Tuy nhiên, sau chuyến thăm này, tình hình Biển Đông lại càng thêm căng thẳng. Các ông nhận xét sao về vấn đề này?
Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, để giải quyết một vấn đề thì cần có sự thiện chí từ hai phía. Nếu chỉ có một phía thì vấn đề không thể được giải quyết. Với hành động ngang ngược thì vấn đề còn có thể nghiêm trọng hơn.
AFP: Sắp tới Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế không, nếu có thì sẽ là bao giờ?
Ông Lê Hải Bình: Tôi đã khẳng định nhiều lần Việt Nam đã, đang sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các lợi ích chính đáng khác của Việt Nam ở Biển Đông. Biện pháp pháp lý là một trong những biện pháp hòa bình, văn minh được thế giới ủng hộ. Hiện Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng về thời điểm sử dụng biện pháp này.
AFP: Hiện có nhiều tour du lịch sang Việt Nam bị hủy bỏ, cũng như nhiều khách Trung Quốc không sang Việt Nam nữa vì lý do an toàn. Các ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Lê Hải Bình: Trong lúc nỗ lực kiên trì đàm phán đối thoại để giải quyết các vấn đề trên biển, chúng tôi chủ trương vẫn duy trì hoạt động bình thường giữa 2 bên,. Về quan điểm cho rằng, khách du lịch Trung Quốc phải hủy nhiều tour đến Việt Nam vì lo ngại an toàn, tôi xin khẳng định: Sau sự việc đáng tiếc xảy ra ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kiên quyết giải quyết tình hình. Cho đến nay, các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng đã được đảm bảo an toàn và họ đã hoạt động trở lại bình thường. Đến nay, các khu vực có người Trung Quốc đều được đảm bảo an toàn.
Báo Đức: Tôi được biết Việt Nam dự kiến sẽ đền bù hơn 7 triệu USD cho doanh nghiệp bị đập phá vụ gây rối ở Bình Dương và Vũng Áng, nay mới có khoảng 200 ngàn USD được giải ngân, xin các ông cho biết thông tin về điều này?
Ông Lê Hải Bình: Ngay sau khi có sự việc hết sức đáng tiếc xảy ra, Thủ tướng đã chỉ đạo các Phó thủ tướng, địa phương làm việc với các doanh nghiệp xác định mức độ thiệt hại, có hỗ trợ cần thiết. Đến nay các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Các chủ doanh nghiệp đã bày tỏ sự cám ơn, đánh giá cao những nỗ lực kịp thời, sát sao của Chính phủ Việt Nam. Con số cụ thể tôi sẽ chuyển câu hỏi đến Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Báo Đức: Mới đây có thông tin về việc Trung Quốc đưa thêm giàn khoan mới ra Biển Đông, phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?
Ông Lê Hải Bình: Vị trí Nam Hải 09 là vùng chồng lấn, đang được phân định. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, khi đang phân định, không được thăm dò, khai tthác ở đây.
Có thông tin Trung Quốc đưa tiếp những giàn khoan khác, chúng tôi sẽ theo sát hành động này. Không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế sẽ lo ngại nếu các giàn khoan này xâm phạm vùng chủ quyền của các nước.
AP: Ông Ngô Ngọc Thu từng nói mọi sự kiềm chế đều có giới hạn. Vừa rồi các đoạn video cho thấy tàu Trung Quốc tiếp tục quyết liệt đâm va cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam. Với những hành động như vậy của Trung Quốc, sự kiềm chế của Việt Nam tới giới hạn chưa, Việt Nam có hành động mạnh mẽ hơn trên thực địa trong thời gian tới không?
Ông Ngô Ngọc Thu: Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 7/5, tôi đã nói Việt Nam kiên trì và kiềm chế, nhưng kiên trì, kiềm chế là có giới hạn.
Tôi cũng đã nói, chủ trương của nhà nước Việt Nam là mong muốn giải quyết mọi vấn đề về chủ quyền và các quyền, lợi ích khác bằng biện pháp hòa bình. Đây là ưu tiên số một của Việt Nam.
Do đó, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển của Việt Nam dù bị tàu Trung Quốc đâm va, sử dụng các biện pháp khác cản trở hoạt động nhưng chúng tôi vẫn kiên trì, kiềm chế để giữ môi trường hòa bình ổn định trong khu vực nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước Việt Nam ưu tiên xử lý các vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Còn các bước đi của nhà nước Việt Nam, như các bạn đã biết, khi chủ quyền và lợi ích quốc gia bị xâm hại, Việt Nam sẽ thực thi mọi biện pháp có thể để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Thanh Niên: Có ghi nhận nào về việc tàu thuyền của nước khác bị ảnh hưởng bởi việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển Việt Nam hay không?
Ông Lê Hải Bình: Tất cả các nước trong khu vực, cộng đồng ASEAN cũng như các nước ngoài khu vực có lợi ích liên quan đến biển Đông đều đã bày tỏ quan ngại tình hình căng thẳng ở đây và đề nghị không để sự việc căng thẳng này ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn, tự do hàng hải. Điều này đã cho thấy việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 cũng như điều một số lượng lớn tàu hộ tống, máy bay bảo vệ giàn khoan này cùng các hành động ngang ngược của Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến tự do an ninh và an toàn hàng hải của khu vực./.