Ủy ban châu Âu (EC) vừa trình đề xuất ngăn chặn làn sóng nhập cư bằng cách viện trợ và thúc đẩy thương mại với chính phủ các nước châu Phi. Đây được xem là một trong những biện pháp dài hạn nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân khiến nhiều người phải rời khỏi châu Phi di cư sang châu Âu, đó là nghèo đói và bất ổn.

dicu5_woqp_aeos.jpg
Làn sóng người di cư vẫn đổ về châu Âu bất chấp nguy hiểm luôn rình rập. (Ảnh: CNN)

Năm ngoái có đến 1,3 triệu người nhập cư đến châu Âu, trong đó, những người nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu là công dân Syria, Iraq và một số nước khác phải trốn chạy chiến tranh và xung đột ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều khiến các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại không kém là viễn cảnh về làn sóng nhập cư từ châu Phi, châu lục nghèo nhất thế giới.

Hiện thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể lượng người đến Hy Lạp. Tuy nhiên, mạng lưới buôn người hoạt động mạnh trở lại và nguy hiểm hơn trong những tuần gần đây trên tuyến đường biển Địa Trung Hải từ Bắc Phi sang Italy.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cho biết: “Những kẻ buôn người đã tìm ra một mô hình làm ăn mới, vì thế công việc của chúng ta còn rất lâu mới có thể hoàn thành. Chúng ta cũng phải làm như chúng ta đã làm trên tuyến đường qua biển Aegean và ở vùng Nam Địa Trung Hải để tìm ra các giải pháp thực sự bền vững. Chúng ta không thể thờ ơ với tình trạng mất mát về sinh mạng ở mức độ lớn như vậy. Chúng ta phải làm tất cả những gì để ngăn chặn điều đó”.

Chính vì thế, ông Timmermans đề xuất các biện pháp “khuyến khích” các nước châu Phi hợp tác với EU để ngăn chặn làn sóng nhập cư. Theo đó, EU sẽ chi khoảng 8 tỷ euro để viện trợ phát triển và các hỗ trợ khác cho những nước châu Phi trong vòng 5 năm tới.

Thực chất, EU đã cam kết một phần trong khoản tiền này nhưng muốn tăng thêm nguồn quỹ và đặt ra các điều kiện cho việc giải ngân dưới dạng các văn bản thỏa thuận với từng nước để đảm bảo bên nhận có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng di cư sang châu Âu.

Nhằm hỗ trợ cho chương trình này, về ngắn hạn, Quỹ ủy thác châu Phi sẽ được phân bổ thêm 1 tỷ euro, trong đó một nửa từ nguồn dự trữ của Quỹ Phát triển châu Âu và phần còn lại do các nước thành viên EU đóng góp.

Cùng với đó, các chương trình tài chính đang triển khai cũng sẽ được định hướng lại để hỗ trợ cho việc quản lý người nhập cư. Ủy ban châu Âu cũng sẽ đề xuất một quỹ mới quyên góp khoảng 3,1 tỷ euro đến năm 2020 với hy vọng thúc đẩy hoạt động đầu tư công – tư.

Biện pháp viện trợ và thúc đẩy thương mại với các nước châu Phi, nơi khởi nguồn làn sóng nhập cư sang châu Âu, được xem là bền vững hơn trong bối cảnh thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn làn sóng nhập cư đang rất mong manh.

Hôm qua (7/6), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cảnh báo, nước này sẽ ngừng thỏa thuận với EU về vấn đề nhập cư nếu khối này không áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi sẽ gặp lại các quan chức châu Âu và ông Timmermans. Nếu có thể nhất trí một lộ trình miễn thị thực thì tiến trình kiềm chế người nhập cư vẫn tiếp diễn, nếu không thì nó sẽ bị dừng lại. Đây không phải là một lời đe dọa hay tống tiền. Đôi bên đã ký thỏa thuận và phải cùng thực hiện thỏa thuận đó”, ông Cavusoglu nói.

Trong khi đó, EU tỏ ra không hài lòng vì Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực hiện 7 trong số 72 điều kiện mà họ đặt ra, trong đó có việc tự do hóa Luật Báo chí theo hướng cho phép đăng tải thông tin về những chiến dịch của lực lượng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với cộng đồng người Kurd.

Nghị viện châu Âu - cơ quan sẽ quyết định việc phê chuẩn thỏa thuận của Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, đã quyết định chuyển thời hạn xem xét thỏa thuận này từ tháng 6 này sang tháng 9 tới./.