Trong đoạn video màAPcông bố, chiếc máy bay này đã gần như rơi xuống một ngôi làng của người dân miền Đông và điều này cho thấy người dân ở đây dường như tin rằng MH17 là một máy bay quân sự của Ukraine. 

Đoạn video được một người dân tại làng Hrabove quay cho thấy hình ảnh nhiều người dân tại đây hoảng hốt khi ngọn lửa bùng lên trong đống đổ nát của máy bay MH17 cách ngôi nhà của họ chỉ vài mét. 

may_bay_zgfx.jpgHiện trường vụ MH17 tại Ukraine (Ảnh AP)

Hình ảnh trong đoạn video cho thấy dường như nó được quay ngay khi chiếc máy bay này bị bắn hạ ngày 17/7. 

Trong đoạn video trên mà AP nhận được ngày 16/11, người dân Hrabove liên tục hỏi nhau về vị trí của người phi công trên máy bay. 

Một người lên tiếng hỏi: “Phi công đâu rồi nhỉ?”, ngay lập tức một người đáp lại: “Ai mà biết được?”. 

Trong một đoạn trao đổi khác, một người đặt ra nghi vấn rằng liệu có phải có vài chiếc may bay bị bắn hạ không vì có quá nhiều mảnh vụn tại hiện trường. Tuy nhiên, mọi người ở xung quanh người này đều nhanh chóng bác bỏ nghi vấn trên và nói rằng chỉ có một máy bay bị bắn hạ. 

Cuối tuần qua, Kênh Channel One của Nga và Đài truyền hình Nga Rossiya TV đã công bố một bức ảnh vệ tinh mà Nga cho rằng máy bay chiến đấu của Ukraine đã bắn hạ MH17. 

Bức ảnh do phía Nga cung cấp cho thấy một chiếc máy bay chiến đấu của Ukraine đã bắn tên lửa không đối không về phía một chiếc máy bay. 

Kênh Channel One cũng cho biết họ nhận được bức ảnh này từ một tổ chức có trụ sở tại Moscow. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng bức ảnh vệ tinh nói trên là giả. Họ viện dẫn hình ảnh một đám mây trên bức ảnh cho thấy nhiều khả năng bức ảnh này được chụp từ năm 2012 và nhiều chi tiết trên bức ảnh cũng không chính xác. 

Ông Mark Solonin, một kỹ sư Nga, viết trên blog của mình rằng cả hai máy bay này nhìn không khớp với cảnh vật xung quanh và kết luận rằng hình ảnh của hai chiếc máy bay này được ghép rất “thô” vào hình ảnh vệ tinh mà Nga công bố.

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng chiếc máy bay thương mại xuất hiện trên hình ảnh vệ tinh là một chiếc máy bay Boeing 767 chứ không phải là Boeing 777 của máy bay MH17./.