Ngày 20/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có bài phát biểu kéo dài 45 phút tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Abbas đã tập trung vào việc kêu gọi bảo vệ “giải pháp hai nhà nước” trong tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như thúc đẩy các nỗ lực chấm dứt “sự chiếm đóng của Israel” đối với nước này theo một khuôn khổ thời gian được ấn định. 

abbas_upjf.jpg
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP

Tổng thống Abbas cảnh báo, nếu giải pháp hai nhà nước bị hủy bỏ, người Palestine sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đấu tranh để đòi tất cả các quyền cho người dân.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Palestine cũng chỉ trích việc Israel tiếp tục cho xây dựng các khu định cư mới, coi đây là hành động “không thể chấp nhận” , đe dọa trực tiếp tới giải pháp hai nhà nước.

“Giải pháp hai nhà nước đang lâm nguy. Chúng tôi không thể để những người dân của mình phải đứng trước các mối đe dọa – điều đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, chính trị và xã hội của chúng tôi, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh tại khu vực và quốc tế.

Chúng tôi sẽ phải tiến hành một số bước đi, hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia, để mở ra những chân trời của hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, tất cả các lựa chọn thay thế mà chúng tôi tìm kiếm sẽ không bao gồm bạo lực”, ông Abbas nói.

Trên thực tế, Liên Hợp Quốc luôn coi các khu định cư của Israel là bất hợp pháp và nhiều lần tổ chức này đã kêu gọi Israel ngừng các hoạt động xây dựng, trong đó có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an hồi tháng 12 năm ngoái. 

Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Abbas đã ca ngợi vai trò hòa giải của Ai Cập, nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine là Fatah và Hamas trong suốt 10 năm qua. 

“Thỏa thuận đạt được tại Cairo là thành quả của các nỗ lực của Ai Cập và chúng tôi rất cám ơn về điều này. Theo thỏa thuận, phong trào Hamas đã dỡ bỏ một số biện pháp từng áp đặt tại dải Gaza, trong đó có việc giải thể “Hội đồng hành chính” điều hành các vấn đề tại đây.

Điều này sẽ cho phép Chính phủ đồng thuận quốc gia mà chúng tôi thành lập cùng phong trào Hamas năm 2014 thực hiện đầy đủ các trọng trách và nghĩa vụ của mình tại Gaza, cũng như cho phép các cuộc bầu cử diễn ra. Chúng tôi sẽ tới Gaza để thực hiện công việc của mình và hi vọng nó sẽ thành công”.

Trước đó, ngày 19/9, phong trào Hồi giáo Hamas đã đề nghị ông Abbas cử các quan chức tới Gaza để nối lại việc kiểm soát khu vực này do phong trào Hamas từng chiếm giữ cách đây một thập kỷ. 

Theo giới phân tích khu vực nhận định, các thỏa thuận “nhượng bộ” này là thành quả của các sức ép chính trị và kinh tế từ phong trào Fatah của Tổng thống Abbas cũng như quốc gia láng giềng Ai Cập đối với phong trào Hamas. Sự nhượng bộ này diễn ra ngay trước thềm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 72, đã giúp nâng cao vị thế của Tổng thống Abbas tại kỳ họp này.

Những mâu thuẫn, bất đồng và sự chia rẽ ngay bên trong chính quyền Palestine nhiều năm qua đã khiến cho các quốc gia phương Tây và khu vực tỏ ra lo ngại Palestine sẽ ở “thế yếu” khi tiến hành các cuộc đàm phán với Israel.

Trước khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Palestine đã có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại cuộc gặp, ông Abbas đã bày tỏ hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận hòa bình với Israel ngay trong năm nay và tuyên bố cam kết của người đứng đầu nước Mỹ về vấn đề này sẽ giúp tạo ra một “thỏa thuận thế kỷ” tại khu vực./.