Cuộc “Tập trận chủ quyền Bolivar 2017” kéo dài 2 ngày được xem là câu trả lời “đoàn kết” của Venezuela trước những sức ép không ngừng gia tăng thời gian gần đây, đặc biệt sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến tại nước này.

venezuela_tap_tran_whmo.jpg
Các lực lượng tham gia diễn tập quân sự tại Venezuela. (Ảnh: DW)

“Tập trận chủ quyền Bolivar 2017” huy động sự tham gia 200.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang quốc gia Bolivar, cùng 700.000 dân quân và hàng trăm nghìn người dân.

Trong khuôn khổ cuộc diễn tập này, các binh sĩ dạy cho người dân cách sử dụng súng trường, bắn tên lửa và phối hợp trong một cuộc chiến. Những ngày cuối tuần qua, Đài truyền hình quốc gia Venezuela liên tục phát đi những hình ảnh cho thấy rất đông người dân từ người trẻ đến người lớn tuổi lũ lượt kéo đến các trung tâm đăng ký nhập ngũ.

“Chúng tôi cảm thấy mình đang bảo vệ quê hương và người dân Venezuela”, một người dân chia sẻ. “Cũng giống như những người phụ nữ khác, chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi vẫn đang học tập để tiếp tục phát triển và chiến đấu cho Venezuela”.

Một người khác cho biết: “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, tạo cảm giác như chúng tôi đang bảo vệ quê hương, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách. Chúng tôi yêu hòa bình song cũng sẵn sàng để bảo vệ đất nước theo mọi cách có thể”.

Sự kiện này đánh dấu một nấc thang mới trong căng thẳng giữa Venezuela và Mỹ khi chỉ diễn ra 2 tuần sau cảnh báo của Mỹ về một lựa chọn quân sự dành cho nước này và cũng là sự kiện quốc phòng lớn đầu tiên được tiến hành tại Venezuela sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến gây chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái đối lập ở trong nước.

Ngay trước thềm cuộc diễn tập, Chính phủ Mỹ hôm 25/8 đã bác bỏ mọi hành động quân sự đối với Venezuela về ngắn hạn. Tuy nhiên, mặt khác, Mỹ cũng cho thấy nước này sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” trước cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng thời ký 1 sắc lệnh cấm mua các loại trái phiếu mới do Chính phủ Venezuela hay Tập đoàn dầu khí quốc gia nước này phát hành.

“Bất kỳ quyết định nào của chúng tôi cũng được tiến hành trên cơ sở phối hợp với các đối tác trong khu vực”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster cho biết. “Không có bất kỳ hành động quân sự nào được dự đoán trong tương lai gần. Điều mà Tổng thống yêu cầu chúng tôi làm đó là theo dõi sát diễn biến tình hình và cung cấp các lựa chọn có thể như chúng ta vẫn làm”.

Mặc dù là quốc gia giàu dầu mỏ, song Venezuela lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với nợ công ước tính lên tới hơn 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, lệnh cấm lần này lại không hề đề cập tới việc cấm vận dầu mỏ, phương án sẽ gây tổn hại nghiêm trọng nhất với nền kinh tế Venezuela do dầu mỏ chiếm tới 95% doanh thu xuất khẩu.

Theo Chính phủ Mỹ, những biện pháp này đã được nghiên cứu và điều chỉnh một cách kỹ lưỡng khiến Tổng thống Maduro mất đi một nguồn tài chính quan trọng.

Không còn duy trì các cơ quan ngoại giao tại mỗi nước từ năm 2010 dù mối quan hệ đã được cải thiện đôi chút vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Barack Obama, song Mỹ và Venezuela lại duy trì các mối quan hệ kinh tế và thương mại khác chặt chẽ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp dầu khí.

Venezuela bán cho Mỹ 800.000 trong tổng số 1,9 triệu thùng dầu sản xuất hàng ngày của mình. Vì thế, dù gói trừng phạt mới nhất dường như là một lời cảnh báo của Mỹ hơn là một hình phạt nhằm đẩy Venezuela đến đường cùng, song chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro cũng đang cho thấy sự sẵn sàng đối mặt với mọi sức ép có thể.

Ngoài những nỗ lực tự cường, Venezuela có thể sẽ viện tới sự trợ giúp của một số đối tác khác khác, trong đó có Trung Quốc và Nga. Venezuela từng là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Venezuela. Trong khi đó, Nga cũng có nhiều dự án hợp tác đầu tư về dầu khí ở quốc gia Nam Mỹ này./.