Chính phủ Venezuela hôm 15/6 thông báo đã mời 3 cựu tổng thống các nước Tây Ban Nha, Dominica và Panama đứng ra làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này, tham gia phiên họp bất thường của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) sẽ diễn ra vào ngày 21/6 tới tại Washington, Mỹ.

Đây là nỗ lực mới nhất của Venezuela nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại nước này cùng với sự tham gia các nước trong khu vực.

tong_thu_ky_oas_soed.jpg
Tổng thư ký OAS Almagro. Ảnh: lr21.com.uy.

Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez đã đề xuất tổ chức phiên họp bất thường của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) để bàn về cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại nước Nam Mỹ này. Argentina hiện là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng thường trực Tổ chức các nước châu Mỹ đã thông qua đề xuất của Venezuela.

Phiên họp bất thường vào đầu tuần tới diễn ra chỉ 2 ngày trước một phiên họp khác của Tổ chức các nước châu Mỹ theo đề xuất của Tổng Thư ký Luis Almagro để xem xét khả năng áp dụng Hiến chương Dân chủ nhằm mục đích đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela. Tuy nhiên, tuần trước, các quốc gia thành viên Tổ chức các nước châu Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi các phe phái chính trị ở Venezuela đàm phán với vai trò trung gian của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và các cựu Tổng thống Tây Ban Nha, Dominica và Panama.

Các đại diện của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị của Venezuela.

Phát biểu trong phiên bế mạc cuộc họp Đại hội đồng Tổ chức các nước châu Mỹ tại Cộng hòa Dominica hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu, bà Mari Carmen Aponte cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình này với sự sẵn lòng trợ giúp Venezuela giải quyết những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Người Venezuela đối thoại với người Venezuela là cách thức để giải quyết những thách thức đang tồn tại ở quốc gia Nam Mỹ này một cách lâu dài và mang tính xây dựng”.

Liên quan đến việc Tổng Thư ký Almagro kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Venezuela, hôm qua (15/6), Nicaragua đã chính thức yêu cầu ông Almagro từ chức vì hành động can thiệp công việc nội bộ của Venezuela. Đại sứ Nicaragua tại Tổ chức các nước châu Mỹ  Denis Moncada Colindres nhấn mạnh, hành động của ông Almagro là lạm dụng chức quyền và can thiệp gây bất ổn tại các quốc gia có chính phủ hợp hiến. Nicaragua đề nghị ông Almagro từ chức ngay tại khóa họp lần này đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với thể chế, dân chủ, đối thoại hòa bình của trước Venezuela.

Phía Venezuela cũng kêu gọi cần xem xét lại các hành vi của Tổng Thư ký Almagro. Ngoại trưởng Delcy Rodriguez nói: “Venezuela đã đề nghị Hội đồng thường trực đánh giá lại về hành vi của Tổng thư ký Luis Almagro. Chúng tôi đã có những bằng chứng rõ ràng về việc ông Almagro đã cư xử một cách mang tính bè phái với Tổng thống Maduro”.

Trong phiên họp ngày 23/6 tới đây của Tổ chức các nước châu Mỹ do Tổng Thư ký Luis Almagro đề xuất, nếu 2/3 trong số 34 nước bỏ phiếu thông qua việc áp dụng Hiến chương dân chủ với Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bị đình chỉ tư cách thành viên. Tuy nhiên, ông Almagro - cựu Ngoại trưởng Uraguay, dường như bị cô lập trong tổ chức mà ông đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký, khi mà ngay cả những chính phủ cánh hữu không mấy thân thiện với Tổng thống Venezuela Maduro cũng phản đối việc đình chỉ tư cách thành viên Venezuela.

Cho tới nay, Tổ chức các nước châu Mỹ mới chỉ trục xuất một quốc gia thành viên là Cuba vào năm 1962 do sự vận động của Mỹ./.