Trong 2 ngày 10-11/4, 35 nguyên thủ và đại diện các quốc gia khu vực châu Mỹ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Tổng Thư ký tổ chức các nước châu Mỹ Jose Miguel Insulz đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 7 tại trung tâm hội nghị Atlapa (Panama). Với chủ đề “Thịnh vượng và công bằng: Thách thức hợp tác ở khu vực châu Mỹ”, hội nghị đã kết thúc muộn hơn kế hoạch 5 tiếng đồng hồ với những nội dung thảo luận thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế. 

anh2_asmj.jpgGiới phân tích cho rằng, OAS – 7 đã ghi được dấu ấn quan trọng (ảnh: AP)

Từ cuộc hội đàm lịch sử…

Theo giới quan sát, sự tham dự của Cuba tại hội nghị lần này là một thông điệp mạnh mẽ mà các quốc gia châu Mỹ muốn nhắn nhủ tới thế giới, nhất là trong bối cảnh Mỹ-Cuba đang dần từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Vấn đề Cuba đã từng là biểu tượng của sự phân hóa tại khu vực kể từ năm 1994. 

Lần này, trong không khí hoan nghênh sự có mặt của phái đoàn La Habana, ngay trong tối khai mạc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã bắt tay nhau và ngồi cùng. Nguyên thủ hai quốc gia này còn có một cuộc đối thoại thượng đỉnh đầu tiên (11/4) sau hơn 56 năm cấm vận và trừng phạt.

Cuộc gặp diễn chỉ sau 2 ngày khi Mỹ và Cuba có cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Nhà Trắng đang xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. 

Cuộc hội đàm riêng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bên lề Hội nghị OAS-7 (ảnh: AFP)

Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí quyết tâm đối thoại, tiến tới tái lập quan hệ ngoại giao và mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước. Với sự có mặt của đoàn Cuba, đã ghi nhận lần đầu tiên một hội nghị OAS có đầy đủ đại diện của các quốc gia trong khu vực.

Cùng với Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, còn có tổng thống các nước tham dự hội nghị như: Venezuela, Brazil, Peru, Haiti, Colombia, Mexico, Paraguay, Costa Rica, Bolivia, Cộng hòa Dominicana, El Salvador, Honduras, Guatemala, Uruguay, Nicaragua, Ecuador và các nước Belize, Jamaica, Canada… cử Thủ tướng tham dự.

Hãng tin Notimex của Mexico cho biết, trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, đại biểu các quốc gia đã bàn thảo nhiều vấn đề khu vực cần quan tâm, trong đó sự chú ý hàng đầu vẫn là mối quan hệ Mỹ - Cuba. Brazil hiện đang đóng vai trò hòa giải và là cầu nối giữa hai bên.

Đến tranh cãi Mỹ - Venezuela…

Hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Obama tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro, trong đó, ông Obama đã tái khẳng định Washington không đe dọa Caracas.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cũng chỉ trích sắc lệnh hành pháp mới đây của Tổng thống Obama trong đó gọi Venezuela là “mối đe dọa an ninh” đối với Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quan chức của chính quyền Caracas bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Nguyên thủ quốc gia của 11 nước là đồng minh chủ chốt của Venezuela đã họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh OAS để quyết định những hành động đối với Mỹ. Về phần mình Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã dự định trao cho Tổng thống Barack Obama bản kiến nghị với hơn 13 triệu chữ ký đòi hủy sắc lệnh nói trên.

Nhằm làm dịu căng thẳng, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tại Hội nghị rằng: “Thời kỳ mà Mỹ can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước châu Mỹ Latinh đã qua rồi”.

Trên thực tế, cả Washington lẫn Caracas đều đang cố hòa giải với nhau. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/4/2015, một cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp tại Caracas hôm 8/4.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cuộc trao đổi “mang tính xây dựng” và Mỹ đã hoan nghênh các cơ hội đối thoại. Tuy nhiên, không chỉ Venezuela mà còn một số quốc gia khác cũng vướng mắc về vấn đề quyền tự quyết dân tộc.

Và những vấn đề chưa đồng thuận…

Mặt khác, vẫn còn những tín hiệu buồn nữa là việc hội nghị không ra được tuyên bố chung do Mỹ và Canada không tán thành quyết định vốn được tất cả các nước Mỹ Latinh và Caribe đồng thuận về môi trường, quyền được giáo dục tự do và yêu cầu hủy bỏ sắc lệnh hành pháp ngày 9/3 của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm vào Venezuela.

Phái đoàn Cuba tham dự Diễn đàn xã hội dân sự (9/4) đã rời phòng họp để phản đối sự có mặt của Felix Rodriguez Mendigutia, cựu điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), một trong 2 kẻ chỉ huy chiến dịch sát hại Che Guevara. Phái đoàn Venezuela cũng đã ra về ngay sau đó để thể hiện tinh thần đoàn kết với Cuba… 

Các vấn đề còn lại tuy chưa đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị OAS-7, nhưng cũng đã hé lộ khả năng hóa giải những bất đồng (ảnh: AP)

Argentina, mặc dù nhận thấy sự thờ ơ của các quốc gia láng giềng về vấn đề quần đảo Malvinas/Falkland, song Tổng thống Cristina Fernandez vẫn đưa ra tuyên bố đòi chủ quyền nhằm vào Anh và kêu gọi các nước trong khu vực thiết lập cơ chế để đối phó với những quỹ đầu cơ luôn tìm cách gây bất ổn thị trường tiền tệ khu vực.

Tổng thống Argentina cũng tuyên bố rằng, giới chức Mỹ khi đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào, cần phải suy nghĩ thật kỹ và nên nhìn lại chính sách của nước mình trước khi đưa ra bình luận về thực trạng của một nước khác.

OAS - 7 đã bế mạc ngày 11/4/2015 tại Panama, mà không có bản tuyên bố chung trước khi kết thúc hội nghị. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, OAS – 7 cũng đã ghi được dấu ấn quan trọng, được coi là hội nghị hòa giải, khi lần đầu tiên hội đủ các nước trong khu vực, quan hệ Cuba – Mỹ có bước tiến mang tính lịch sử.

Các vấn đề còn lại tuy chưa đạt được sự đồng thuận, nhưng cũng đã hé lộ khả năng hóa giải những bất đồng. Dư luận kỳ vọng vào chính sách “ngoại giao thông minh” của Tổng thống Mỹ có thể có những bước tiến mới tại OAS – 8 vào năm 2018 tại Peru./.